Thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp và dễ bùng phát vào thời điểm Đông - Xuân. Bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp và qua tiếp xúc dịch tiết. Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi đi học. Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị bệnh thì khả năng mắc bệnh rất lớn nếu tiếp xúc với nguồn dịch.
Theo dân gian, bệnh thủy đậu còn được biết đến với những cái tên như phỏng rạ, bỏng rạ, trái rạ. Cũng theo quan niệm của nhiều người, khi mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần phải kiêng khem rất nhiều thứ, như kiêng nước, kiêng gió, kiêng cả việc ăn uống... Nhưng thực tế, việc kiêng khem quá kham khổ, cứng nhắc, không đúng cách lại là sai lầm, khiến bệnh thủy đậu thêm nặng hơn.
Chị Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai 7 tuổi bị mắc bệnh thủy đậu. Chị cho rằng khi bị bệnh thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước và gió. Vậy nên từ khi phát hiện con bị bệnh, chị tuyệt đối không để con đụng vào một giọt nước nào và chỉ cho con ở trong phòng, đóng kín cửa.
Sau hơn 1 tuần, vì luôn ở trong phòng kín nên con trai chị Hậu luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, kém nhanh nhẹn. Nguy hiểm hơn, những nốt thủy đậu trên người con trai chị Hậu dần chuyển sang màu đục, có dấu hiệu bị bội nhiễm vì không giữ vệ sinh cơ thể.
Việc kiêng nước, kiêng gió không đúng cách sẽ khiến bệnh thủy đậu thêm nặng
Phải chú ý kiêng cữ thế nào khi bị thủy đậu?
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, viện Bạch Mai cho biết: "Nhiều người cho rằng khi bị thủy đậu thì phải kiêng tuyệt đối nước và gió nên không tắm, lau rửa hàng ngày. Đây là một sai lầm, đặc biệt là đối với những trẻ bị bệnh thủy đậu. Vì da trẻ nhỏ vẫn còn yếu, cấu trúc mỏng, dễ tổn thương. Có nhiều trẻ bị biến chứng viêm da bội nhiễm, thậm chí là mắc phải những bệnh nặng hơn như nhiễm trùng huyết nếu không giữ vệ sinh tốt".
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu kiêng nước trong toàn bộ thời gian bị bệnh sẽ gây nên tình trạng tích tụ vi khuẩn trên cơ thể, có thể gây viêm nhiễm tại các mụn nước. Vậy nên, những bệnh nhân bị thủy đậu, đặc biệt là trẻ nhỏ cần giữ vệ sinh cơ thể, tắm hoặc lau rửa bằng nước ấm một cách nhẹ nhàng, tránh để nốt thủy đậu bị vỡ ra.
Còn về vấn đề kiêng gió, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng không phản đối việc kiêng ra gió đối với bệnh nhân thủy đậu nhưng không đồng tình với quan điểm để người bệnh nằm trong phòng kín lâu ngày. "Người bệnh không nên ra gió, trong ngày lạnh cần được giữ ấm cơ thể nhưng nên nghỉ ngơi tại giường ở nơi thoáng đãng, không bị bí bách. Vào mùa nóng, nếu để người bệnh ở nơi vừa nóng bức vừa không có gió sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, nếu giữ vệ sinh không tốt sẽ xảy ra tình trạng viêm nhiễm các nốt phỏng" - BS Dũng cho biết.
Ngoài ra, BS Dũng cũng đưa ra lời khuyên về việc kiêng khem ăn uống: "Đúng là người mắc bệnh thủy đậu nên kiêng một số món ăn, cần tránh đồ nếp, đồ tanh vì chúng có thể làm các nốt phỏng sưng lên, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ và cay nóng. Nhưng như thế không có nghĩa là phải kiêng hết mọi loại đồ ăn. Nên nhớ rằng, khi cơ thể mắc bệnh thủy đậu tức là hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm, bệnh thủy đậu lại là bệnh dễ gây nên những biến chứng như bội nhiễm. Vậy nên cần bổ sung các chất giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin A, C, kém để nâng cao hệ miễn dịch.".