Bất chấp cái bóng quá lớn của Ngọa hổ tàng long
Sau bộ phim Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An, võ thuật truyền thống trong điện ảnh Hoa ngữ một lần nữa được phát hiện và làm mới với những đặc thù riêng do những đạo diễn tên tuổi dàn dựng.
Trong số đó có Anh hùng của Trương Nghệ Mưu. Đây được xem là tác phẩm điện ảnh võ thuật ăn khách mọi thời đại của Trung Hoa.
Nói về bộ phim có doanh thu 200 triệu NDT (32 triệu USD), đạo diễn Trương tâm sự, thực hiện Anh hùng là mơ ước của ông từ khi còn trẻ.
Hơn 10 năm trước, tại buổi nói chuyện với khán giả ở LHP Hawaii, Trương Nghệ Mưu đã nói, bộ phim tiếp theo của ông sẽ là một tác phẩm điện ảnh võ hiệp. Lúc đó, mọi người tưởng vị đạo diễn này đang nói đùa.
Thế nhưng, ông đã làm thật vào năm 1998. Lúc Ngọa hổ tàng long ra mắt công chúng cũng là khi đạo diễn Trương hoàn thành kịch bản.
Thời điểm đó, có người nói Trương Nghệ Mưu quá điên rồ bởi Ngọa hổ tàng long của Lý An đang được nhận định khó phim nào có thể vượt qua. Điều đó khiến Trương Nghệ Mưu có lúc chùn bước và toan bỏ cuộc.
Nhưng cuối cùng, ông đã quyết định thực hiện luôn, bất chấp cái bóng đang quá lớn của Ngọa hổ tàng long.
Bất chấp những lời phê bình, Trương Nghệ Mưu vẫn quyết tâm cho quay Anh hùng và không sợ cái bóng của Ngọa hổ tàng long.
Bị nam tài tử Nhật Bản từ chối
Trương Nghệ Mưu kể lại, ban đầu, ông muốn mời nam tài tử Nhật Bản Ken Takakura, sinh năm 1931, tham gia Anh hùng, có tên Vô Ngữ, một đại hiệp câm.
Nếu mời được Takakura đóng vai này, kịch bản sẽ phải viết dựa theo con người của ngôi sao gần 80 tuổi: "Lúc đó, Takakura rất muốn hợp tác với tôi. Nhưng tôi lại không hiểu rõ con người ông ấy và quyết định gửi bản thảo kịch bản cho ông ấy. Rốt cục, Takakura sau khi đọc xong kịch bản đã từ chối khéo, tôi cũng thấy rất tiếc".
"Liều mạng" mời dàn sao nổi tiếng nhất điện ảnh Hoa
Khi khởi quay, Trương Nghệ Mưu còn chưa mường tượng ra quy mô của phim sẽ phải quay đến mức nào. Sau đó, họ Trương nhờ nhà sản xuất của Ngọa hổ tàng long là "ông trùm điện ảnh" Giang Chí Cường liên hệ hộ cho một chỉ đạo võ thuật ở Hồng Kông đến giúp sức.
Giang Chí Cường liền gợi ý mời Lý Liên Kiệt đóng vai chính. Và chỉ một lời đề nghị đã được Lý Liên Kiệt gật đầu cái rụp.
Giang nói lại với Trương Nghệ Mưu mức cát-xê mà Lý Liên Kiệt yêu cầu là 10 triệu NDT (1,7 triệu USD), con số này khiến Nghệ Mưu giật mình và hỏi lại Giang: "Liệu có thu hồi vốn được không?", Giang Chí Cường trả lời chắc nịch: "Có thể chứ!".
Nhờ đó, Trương Nghệ Mưu mạnh dạn tìm đến những diễn viên tên tuổi ngoài Lý Liên Kiệt như Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ và Chương Tử Di.
Bị hãng Miramax cắt xoẹt đoạn cuối
Sau khi đóng máy, nhiều người trong giới điện ảnh đã có ý chỉ trích Trương Nghệ Mưu vìđã ca ngợi quá lời công lao của Tần Thủy Hoàng cũng như tô vẽ mỹ hóa chế độ độc tài phong kiến.
Đặc biệt, những đoạn phụ đề ở cuối phim vướng phải vô số những tranh luận trái chiều.
Thực tế, đoạn phim gây tranh cãi là Lý Liên Kiệt đãgóp ý cho Trương Nghệ Mưu nhằm xóa bỏ phần nào hiểu lầm của người nước ngoài về việc xây dựng Vạn lý trường thành của Tần Thủy Hoàng, cho đây là một công cụ để tấn công chứ không phải để phòng ngự. Trương Nghệ Mưu thấy có lý bèn thêm ý kiến của Lý Liên Kiệt vào phim.
Trương Nghệ Mưu và Trương Mạn Ngọc vui đùa trên trường quay.
Ban đầu, Trương Nghệ Mưu đã tạo ra một cái kết khác hoàn toàn cho Anh hùng so với bản được công chiếu. Chính hãng Miramax cắt bỏ với lý do quá phức tạp khiến người nước ngoài xem không hiểu.
Thực tế, đoạn kết có chi tiết nhân vật Vô Danh (Lý Liên Kiệt) sau khi bị bắn chết, trên sa mạc Gobi xuất hiện ba ngôi mộ mới đứng cao sừng sững là nơi chôn cất thi hài của ba vị đại hiệp là Vô Danh, Tàn Kiếm (Lương Triều Vỹ) và Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc).
Khi đó, lão đầy tớ và Như Nguyệt (Chương Tử Di) quỳ gối tưới rượu trước ba nấm mồ,lão đầy tớ nói: "Người Trung Quốc có câu: Kẻ sĩ vì người tri kỷ mà chết. Người đời có một tri kỷ đã đủ rồi, có ba tri kỷ coi như có cả thiên hạ".
Như Nguyệt ngồi kế bên tiếp lời: "Vậy là ba người họ đã có cả thiên hạ rồi". Lão nô bộc gật gù: "Đúng vậy, ba người họ đã có cả thiên hạ".
Trương Nghệ Mưu cho rằng, cái kết như vậy mới là tuyệt tác, đáng tiếc là đoạn này đã bị cắt bỏ trongkhi phát hành.
Nhân vật Vô Danh (Lý Liên Kiệt) có sứ mạng ám sát Tần Vương.
Quay thiếu một cảnh 30 giây
Về sau, khi bộ phim ra mắt công chúng, Trương Nghệ Mưu và biên kịch Vương Bân thú nhận, Anh hùng đã phạm phải một lỗi nghiêm trọng, đó là quay thiếu mất một cảnh khá nặng ký. Vì chỉ cần quay thêm một cảnh khoảng 30 giây này sẽ coi như khác hoàn toàn so với phiên bản đã được ra mắt trước đó.
Đó là cảnh trong đại cung của Tần Vương, theo nguyên gốc kịch bản, một đại thần sẽ nói với vua Tần: "Đại Vương, giết hay không giết?". Khi xem lại bộ phim, nam diễn viên Trần Đạo Minh đóng vai Tần Thủy Hoàng đã nói với Trương Nghệ Mưu: "Đạo diễn, cảnh này không có khí thế cho lắm".
Thấy Trần Đạo Minh có lý, Nghệ Mưu quyết định mời hơn 800 diễn viên quần chúng vào vai đại thần. Cảnh quay hoành tráng với lời hô của các đại thần: "Đại vương, giết! Đại vương, giết!".
Ngay sau khi Vô Danh ngã gục bởi hàng ngàn mũi tên, 800 đại thần cười ha hả và quỳ trước Tần Vương: "Chúc mừng đại vương, ngài lại né được một mối nguy nữa". Tần Vương mắt lệ nhòa, chỉ mỉm cười chua chát mà không nói. Câu cuối Tần Vương thốt lên: "Hậu táng!" và kết thúc bộ phim.
Trần Đạo Minh đã được mời lại trường quay thực hiện phân cảnh 30 giây.
Tuy nhiên, cuối cùng, chính Trương Nghệ Mưu lại quyết định không bổ sung cảnh này.
Trương Nghệ Mưu đã đổi 30 giây phim gốc với hình ảnh vị đại thần tâu với Tần Vương: "Đại vương, giết! Đại vương, giết!", sau đó, hàng vạn mũi tên lao tới, Vô Danh (Lý Liên Kiệt) ngã gục ngay ở cửa cung điện, hai mắt Tần Vương lệ nhòa và kết thúc phim.