Tuy nhiên trong thời gian chờ tổ chức lễ cưới và đăng ký kết hôn thì cô dâu lại đột ngột đổi ý và từ hôn. Gia đình chú rể tiếc mấy chục triệu đồng kia nên đã làm đơn xin ly hôn ra tòa cùng yêu cầu đòi lại số tiền đã đưa cho nhà gái.
Chưa kết hôn đã ly hôn
Thẩm phán Nguyễn Hoàng – công tác tại TAND huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng là người đã từng giải quyết rất nhiều vụ ly hôn, trong đó có không ít vụ rất hy hữu khiến ông Hoàng nhớ mãi, thậm chí là rất băn khoăn.
Bởi nhiều vụ nội dung mà các đương sự đưa ra rất mơ hồ không có căn cứ, yêu cầu người thẩm phán phải thật sự tỉnh táo, bám sát vào các quy định của pháp luật để phân tích tình huống và giải quyết sao cho hợp tình hợp lý nhất.
Cụ thể như câu chuyện về đôi nam nữ chưa tổ chức lễ cưới, chưa đăng ký kết hôn và chưa sống chung với nhau được ngày nào đã đưa nhau ra tòa đòi ly hôn mà ông Hoàng mới giải quyết cách đây ít lâu. Vụ việc này xảy ra giữa chị Lâm Thị Nga và anh La Văn Tiến đều cùng mới 18 tuổi.
Theo phong tục của địa phương khi đôi nam nữ quyết định tiến tới hôn nhân thì nhà trai phải sang nhà gái bàn bạc các thủ tục liên quan. Nhiều gia đình có con gái khi gả chồng thách cưới một số tiền khá lớn vì nghĩ rằng thách cưới càng cao thì có nghĩa rằng con gái mình càng có giá, nhưng cũng có gia đình không thách cưới đồng nào vì cho rằng thách cưới như thế chẳng khác nào bán con.
Ngoài tiền thách cưới thì một khoản nữa nhà trai bắt buộc phải lo đó là đưa tiền cho nhà gái tổ chức đám hỏi, số tiền này thường là khoảng vài chục triệu đồng để nhà gái làm cỗ mời quan khách tới ăn nhậu, chia vui và khi nhà trai sang thì cũng ăn uống luôn.
Lễ hỏi thường được tổ chức trước khi làm lễ cưới khoảng 2-3 tháng, và trường hợp của Nga - Tiến cũng vậy. Sau khi bàn bạc thống nhất, gia đình Tiến đưa cho gia đình Nga 20 triệu đồng tiền để gia đình Nga tổ chức lễ hỏi, thết đãi quan khách. Dự kiến sau lễ hỏi 2 tháng thì hai bạn trẻ sẽ tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn khi đó họ mới đưa tiền thách cưới.
Lễ hỏi được tổ chức khá vui vẻ, hai bên ăn uống hát hò linh đình. Sau lễ hỏi này ai cũng nghĩ rằng Nga và Tiến đã chắc chắn là một đôi, việc đăng ký kết hôn hay tổ chức lễ cưới cũng chỉ là thủ tục chỉ chờ tới ngày là tiến hành. Vậy nhưng sau lễ hỏi không lâu, Nga đột nhiên đổi ý không kết hôn với Tiến nữa. Bởi lẽ cô gái đã tìm được một người đàn ông khác hợp hơn với mình.
Đang yên đang lành bỗng “mất cả chì lẫn chài”, anh Tiến đã không cưới được vợ lại còn mất mấy chục triệu đồng đưa cho nhà chị Nga khiến gia đình anh vô cùng bức xúc. Anh Tiến liền viết “đơn xin ly hôn” gửi lên TAND huyện Thạnh Trị để nhờ tòa phân xử và đòi lại số tiền.
Phải xử sao cho hợp tình hợp lý?
Thẩm phán Nguyễn Hoàng cho biết sau khi nhận được lá đơn của anh Tiến, TAND huyện Thạnh Trị đã cử anh trực tiếp thụ lý giải quyết. Đi theo chị Nga và anh Tiến tới tòa còn có đầu đủ bố mẹ của hai anh chị này. Một cuộc tranh luận căng thẳng giữa hai bên gia đình đã diễn ra tại tòa.
Việc chị Nga và anh Tiến không thể tiến tiến tới hôn nhân thì không ai bàn tới vì khi đã đưa ra đến pháp luật thì không còn hy vọng gì cứu vãn nữa. Hai người cũng chưa đăng ký kết hôn nên tòa không phân xử việc này mà chỉ quan tâm đến việc tranh chấp tài sản giữa hai bên.
Bên nào cũng cho rằng mình có lý, nhà trai thì kiên quyết phải đòi bằng được số tiền đã đưa cho nhà gái. Bởi đó là số tiền họ đưa cho gia đình chị Nga để đổi lại việc chị Nga phải trở thành vợ anh Tiến và dâu con gia đình anh, nay chị Nga không thực hiện điều đó thì đương nhiên phải trả lại số tiền này.
Chị Nga và gia đình chị này nhận lỗi rằng mình đã chưa suy nghĩ kỹ trước khi tiến tới hôn nhân nên mới dẫn đến việc chưa kết hôn đã ly hôn như vậy. Tuy nhiên họ nhất định không trả lại số tiền vì cho rằng số tiền đó nhà gái đã dùng để làm cỗ thết đãi quan khách, trong đó có cả gia đình nhà trai sang ăn uống hôm đám hỏi chứ họ cũng không được tiêu riêng đồng nào.
Thẩm phán Nguyễn Hoàng cho biết, nếu nói về lý, căn cứ vào luật một cách cứng nhắc thì gia đình nhà trai khó có thể đòi được khoản tiền này. Bởi lẽ với những tranh chấp tài sản, nếu bên nào như muốn giành quyền sở hữu tài sản tranh chấp thì phải đưa ra được những chứng cứ hợp lệ. Cụ thể như tranh chấp về tiền bạc thì phải có giấy giao nhận tiền có chữ ký của cả hai bên.
“Trong khi đó số tiền nhà trai đưa cho nhà gái không có giấy tờ gì làm chứng vì chẳng ai ghi giấy giao tiền tại đám cưới hỏi cả. Thậm chí số tiền này còn được cho vào phong bì chỉ hai bên gia đình biết chứ người ngoài cũng ít người được nhìn thấy. Nếu thực tế nhà trai chỉ đưa cho nhà gái 2 chục triệu nhưng khi ra tòa lại nói rằng đã đưa hơn số đó gấp nhiều lần và yêu cầu nhà gái phải hoàn trả thì nhà gái cũng phải chịu sao? Điều đó là vô lý” – Thẩm phán Nguyễn Hoàng phân tích.
Không những vậy, theo phong tục ở địa phương, tiền tổ chức lễ cưới hỏi, làm cỗ thết đãi khách của cả hai bên gia đình đều phải do nhà trai tự bỏ ra. Vì vậy số tiền mà gia đình anh Tiến đã đưa cho gia đình chị Nga cũng không phải là cho họ mà thực tế chỉ là họ cầm để làm cỗ thết đãi khách hộ gia đình anh Tiến, bản thân họ cũng không được bỏ túi đồng nào, có khi còn phải bù thêm vào vì lễ hỏi có rất nhiều thứ cần phải chi tiêu.
Tuy nhiên xét về tình cảm thì gia đình chị Nga và bản thân chị này cũng không thể quá vô tình với gia đình anh Tiến. Dẫu biết rằng việc từ hôn là quyền của chị này, tình cảm vợ chồng không thể ép buộc được.
Nhưng quyết định từ hôn của chị Nga đã gây tổn hại không chỉ về vật chất mà còn cả về danh dự cho anh Tiến.
Tóm lại cả hai bên gia đình đều không được gì trong vụ việc này nên về thiệt hại thì hai bên cũng cần phải cùng nhau gánh chịu. Gia đình chị Nga không thể để cho gia đình anh Tiến chịu toàn bộ hậu quả của vụ việc. Gia đình anh Tiến cũng không thể bắt gia đình chị Nga trả lại toàn bộ số tiền trong khi thực tế gia đình chị này cũng không được hưởng gì.
Sau khi phân tích cho cả hai gia đình hiểu thấu tình đạt lý, cuối cùng thẩm phán quyết định yêu cầu gia đình chị Nga phải trả lại cho gia đình anh Tiến một nửa số tiền mà gia đình anh này đã đưa cho gia đình chị tương đương với 10 triệu đồng.
Thẩm phán Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Bản thân những người “cầm cân nảy mực” cũng rất khó xử. Những vụ việc thế này chúng tôi không thể áp dụng luật một cách cứng nhắc mà cần phải có một chút tình thì phân xử để không bên nào phải chịu thiệt thòi.
Hơn nữa nếu chỉ nói lý thì các bên sẽ tranh luận tới cùng, cho dù một bên có bị xử thua thì họ cũng không chịu khâm phục. Còn khi nói đến tình cảm thì có thể người ta cho nhau vài chục triệu đồng cũng rất vui vẻ.
Từ vụ việc này, chúng tôi hy vọng các đôi nam nữ cần phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân với nhau. Không nên yêu nhanh cưới vội như anh Tiến, chị Nga để rồi khi còn chưa kết hôn đã ly hôn, vừa mất tiền của lại mang tai tiếng, ảnh hưởng tới danh dự của cả hai”.