Bí ẩn ngôi sao sáng hơn 2,5 triệu lần Mặt trời bỗng biến mất

Bí ẩn ngôi sao sáng hơn 2,5 triệu lần Mặt trời bỗng biến mất

Trong số các giả thuyết được đưa ra, có thể ngôi sao đã mất độ sáng và bị bụi vũ trụ che khuất, nhưng cũng có thể nó đã chết. Một nhóm nhà vật lý thiên văn đưa ra vài giả thuyết, trong đó cách giải thích hợp lý nhất là ngôi sao khổng lồ chết và sụp đổ thành hố đen mà không trải qua vụ nổ siêu tân tinh.

"Chúng ta có thể đã phát hiện một trong những ngôi sao lớn nhất trong vũ trụ của chúng ta biến mất nhẹ nhàng vào màn đêm", Jose Groh, nhà thiên văn học tại Trinity College Dublin (Dublin, Ireland) và là đồng tác giả của một nghiên cứu mới về ngôi sao cho biết.

"Nếu đúng, đây sẽ là phát hiện trực tiếp đầu tiên về một ngôi sao tầm cỡ như vậy kết thúc cuộc đời theo cách này", tác giả chính của nghiên cứu Andrew Allan, cũng thuộc Trinity College Dublin cho biết.

Ngôi sao kỳ lạ này nằm cách chúng ta khoảng 75 triệu năm ánh sáng, trong Thiên hà lùn Kinman, thuộc chòm sao Bảo Bình, vốn được các nhà khoa học quan sát nghiên cứu từ năm 2001 - 2011. Nó là một ví dụ hoàn hảo về sao biến quang xanh (LBV), ngôi sao lớn sắp kết thúc vòng đời và thường trải qua những biến động khó dự đoán về độ sáng. Những ngôi sao kiểu này rất hiếm gặp, chỉ có vài trường hợp được xác nhận trong vũ trụ.

Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra sự biến mất kỳ lạ của nó trong thời gian gần đây, khi quay lại tìm kiếm ngôi sao này để tìm hiểu thêm về việc những ngôi sao lớn chết như thế nào. Nhưng khi hướng Kính thiên văn cực lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) vào đó, họ không còn thấy ngôi sao.

Không ai giải thích được lý do tại sao và bằng cách nào mà ngôi sao này biến mất.

Thông thường, khi một ngôi sao lớn hơn rất nhiều so với Mặt trời của chúng ta chết đi, nó sẽ biến mất trong một vụ nổ siêu tân tinh khổng lồ. Những vụ nổ này rất dễ được phát hiện, vì chúng nhuộm màu bầu trời xung quanh chúng với khí ion hóa và bức xạ mạnh trong nhiều năm ánh sáng ở mọi hướng. Sau vụ nổ, lõi dày đặc của vật liệu còn sót lại của ngôi sao có thể sụp đổ thành lỗ đen hoặc sao neutron - hai vật thể bí ẩn và to lớn nhất của không gian.

Để tìm hiểu điều bí ẩn, nhóm nghiên cứu xem xét lại những quan sát trước đây về ngôi sao từ năm 2002 đến 2009. Họ phát hiện ngôi sao trải qua một vụ bùng phát mạnh trong suốt thời gian này, bắn ra lượng lớn vật liệu sao ở tốc độ nhanh hơn nhiều bình thường. LBV có thể bùng phát nhiều lần như vậy ở cuối vòng đời, khiến chúng trở nên sáng rực. Theo nhóm nghiên cứu, quá trình bùng phát nhiều khả năng kết thúc sau năm 2011.

Điều này có thể lý giải tại sao ngôi sao có vẻ sáng chói trong những quan sát ban đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết điều gì khiến ngôi sao biến mất. Một cách lý giải là ngôi sao mờ đi đáng kể sau đợt bùng phát và bị che khuất bởi đám bụi vũ trụ dày đặc. Nếu giả thuyết đúng, ngôi sao có thể sẽ tái xuất hiện trong các quan sát tương lai. Cách lý giải khác là ngôi sao không bao giờ phục hồi sau khi bùng phát mà sụp đổ thành hố đen nhưng không trải qua vụ nổ siêu tân tinh. Đó sẽ là sự kiện rất hiếm gặp.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.