Về pháp luật, hiện nay không có quy định nào cho phép việc công khai danh tính, hình ảnh của người mua dâm. Cụ thể: Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Nghị định 73/2010/NĐ-CP; Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội đều không có quy định nào cho phép công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin danh tính, hình ảnh người mua dâm.
Người mua dâm bị bắt quả tang sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính và thông báo về xã, phường nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác, nếu là cán bộ, công chức để giáo dục, xử lý kỷ luật nhưng không công khai.
Về mặt đạo đức, việc công khai, “bêu riếu” danh tính của người mua dâm, bán dâm sẽ làm họ và người thân bị tổn thương rất nghiêm trọng, thậm chí triệt đường sống, khiến họ không thể hòa nhập cộng đồng. Đây là lý do khi đưa tin về các vụ việc mua bán dâm, các phương tiện thông tin đại chúng thường thận trọng không đưa rõ mặt, không công khai danh tính cụ thể để tránh gây tổn thương cho những người liên quan.
Thực tế nhiều trường hợp, người bán dâm là nạn nhân của bọn buôn người, chứa mại dâm hoặc do gia cảnh khó khăn, hoàn cảnh đưa đẩy mà họ phải hành nghề mại dâm. Vì thế, người bán dâm hoàn toàn khác với các đối tượng môi giới mại dâm, chứa mại dâm có thể bị xử lý nghiêm khắc, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, khi xử lý người bán dâm cần phải trên tinh thần nhân văn, mục đích cuối cùng là giúp họ trở về cuộc sống đời thường, từ bỏ con đường sai trái.
Vì vậy, có thể khẳng định là việc làm của công an thị trấn Dương Đông là chưa phù hợp với quy định pháp luật, phản cảm. Đặc biệt, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức, truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc ta. Đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời những tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc trên.