Trong các đơn vị y tế tuyến cơ sở từ tỉnh đến huyện. có không ít là ở tuyến huyện vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn… TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E cho biết: "Mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo tuyến, đề án 1816, nhưng Bệnh viện E cố gắng khắc phục khó khăn, tiến hành mới các lớp đào tạo. Qua đó, nhằm cập nhật kiến thức và chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở tuyến dưới để người dân được hưởng lợi.
Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện E tiến hành khai giảng bằng trực tuyến các lớp học này. Thực hiện được điều này cũng nhờ vào quá trình đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật của Nhà nước, Bộ Y tế thông qua hệ thống telehealth sẽ kết nối giữa Bệnh viện E với các bệnh viện tuyến dưới được xích gần lại, gần như không khoảng cách".
Đào tạo trong ngành y là đào tạo đặc thù, liên tục cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới. Chương trình đào tạo cũng phải thay đổi phù hợp điều kiện thực tiễn.
Đối với phần lý thuyết có thể dạy và học online. Do vậy, các học viên đều phải thu xếp thời gian học đầy đủ. Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến sẽ thu lại các buổi giảng của giảng viên gửi cho học viên để họ có thể xem lại bất kỳ lúc nào.
Đối với phần thực hành, Trung tâm phân bố, sắp xếp lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh để học viên có thể đến Bệnh viện E học tập.
Đồng ý kiến trên, ThS Nguyễn Việt Hùng – Phòng Chỉ đạo tuyến – Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế nhận mạnh: "Chúng tôi rất hoan nghênh Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện E cùng các cơ sở y tế tuyến dưới khắc phục mọi khó khăn tham gia các chương trình đạo tạo liên tục, ngắn hạn và dài hạn của Bệnh viện E tổ chức theo công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816 năm 2021.
Các giảng viên và học viên đều là các y bác sĩ nên ngoài giờ học, các bạn còn phải làm việc, thậm chí nhiều người còn tham gia chống dịch vì thế, cần sắp xếp thời gian phù hợp để thu nhận các kiến thức thông qua các buổi dạy trực tuyến, chuyển giao kỹ thuật trực tuyến…".
TS.BS Đỗ Chí Hùng – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện E là một trong những giảng viên có thâm niên gắn bó với các chương trình đào tạo liên tục của Bệnh viện E cho các cơ sở y tế tuyến dưới. TS Hùng chia sẻ, bằng kinh nghiệm thực tiễn, các giảng viên cam kết sẽ truyền đạt kiến thức cho học viên một cách hiệu quả nhất. Nhờ đó, thông qua các lớp đào tạo này, học viên có thể triển khai kỹ thuật đó lại cơ sở y tế tuyến dưới, mang lại lợi ích khám chữa bệnh cho người dân.
BS Lê Thánh Tuấn – Khoa Cấp cứu - Trung tâm y tế Bắc Quang (Hà Giang) – đại diện cho các học viên tham gia chương trình đào tạo lần nay chia sẻ: "Chúng tôi rất may mắn được lựa chọn tham gia học tập. Dù học tập dưới bất kỳ hình thức nào, từ zoom, online… chúng tôi cũng luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để tiếp thu các kiến thức của các thầy, các cô truyền đạt, hoàn thành tốt khóa học để phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương…".
Có gần 100 học viên gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc nhiều cơ sở y tế tham gia chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816 năm 2021 của Bệnh viện E. Trong đó, có nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Bệnh viện đa khoa Khu vực Ngọc Lặc (Thanh Hóa); Trung tâm y tế Tam Đường, Trung tâm y tế Than Uyên (Lai Châu), Trung tâm y tế Bắc Quang (Hà Giang); Trung tâm Y tế Nậm Pồ (Điện Biên), BV Y học cổ truyền Hà Giang, BVĐK Mèo Vạc (Hà Giang)…
Chương trình gồm 9 lớp đào tạo và 3 gói chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816 như lớp nội soi tiêu hóa, lớp nâng cao năng lực chẩn đaoán bệnh cơ xương khớp và tiêm khớp ngoại vi, lớp thận nhân tạo, phục hồi chức năng, tiêu sợi huyết, tán sỏi laser nội soi ống mềm…