Bệnh ngứa liên quan đến tâm lý tâm thần

GD&TĐ - Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe câu “ngứa như điên”, “ngứa phát rồ phát dại”... hay “gãi đúng chỗ ngứa”...

Bệnh ngứa liên quan đến tâm lý tâm thần

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe câu “ngứa như điên”, “ngứa phát rồ phát dại”... hay “gãi đúng chỗ ngứa”... Có thể nói, ngứa gây nên các rối loạn tâm thần tâm lý nhưng gãi đúng chỗ ngứa cũng tạo ra khoái cảm, vì vậy gãi ngứa cũng có thể gây nghiện như các chứng nghiện khác.

Cảm giác ngứa

Đa phần ngứa ở mức độ vừa hoặc trầm trọng đều xuất phát từ bệnh thực tổn như bệnh suy thận mạn, bệnh gan mật, bệnh u limphô hodgkin... nhưng người ta thấy các yếu tố tâm lý cảm xúc thường đi kèm trong các loại ngứa.

Cần chú ý tới yếu tố tâm lý khi bệnh nhân bị ngứa.

Cần chú ý tới yếu tố tâm lý khi bệnh nhân bị ngứa.

Giống như cảm giác đau, cảm giác ngứa mang tính cá thể thay đổi rất khác nhau ở mỗi người. Cường độ ngứa cũng thay đổi trong ngày.

Ngứa tăng nhiều vào cuối ngày hay ban đêm, ngứa làm cho bệnh nhân mất ngủ, mất ngủ lại kích thích ngứa tăng lên làm bệnh nhân càng gãi nhiều, gãi nhiều lại càng mất ngủ... điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khó thoát. Khi các hoạt động trong ngày giảm đi, lúc nghỉ ngơi dường như hệ thần kinh nhạy cảm hơn với việc tiếp nhận các kích thích ở da, giống như cảm giác đau thường tăng về đêm...

Người ta thấy có nhiều loại ngứa có nguồn gốc tâm sinh, 50% các loại ngứa mạn tính không kết hợp với một bệnh lý da và không có nguyên nhân rõ ràng. Nhưng ngay cả khi ngứa có nguồn gốc căn nguyên thực tổn thì các yếu tố tâm thần, tâm lý luôn đi kèm theo.

Cảm giác ngứa tăng lên trong các tình huống stress hay trong trường hợp trầm cảm lo âu. Trường hợp ngứa mạn tính với cường độ mạnh mang lại cho bệnh nhân một cảm giác như sống trong địa ngục, mất ăn mất ngủ và dễ dàng dẫn đến cáu kỉnh, kích động, trầm cảm... Do vậy, việc điều trị phải toàn diện cả thể chất và tâm thần...

Các kiểu tiến triển của ngứa rất đa dạng, mối liên quan giữa yếu tố tâm lý và thực tổn cũng khá phức tạp. Khi ngứa càng kéo dài thì các rối loạn tâm thần tâm lý càng rõ rệt. Yếu tố tâm lý ít biểu hiện hơn khi ngứa là một triệu chứng của bệnh thực tổn. Nhưng trong trường hợp suy thận thường gây gãi ngứa và khi có trầm cảm kèm theo thì việc gãi ngứa tăng lên gấp bội.

Trong thực tế, nhiều trường hợp ngứa do nguyên nhân thần kinh tâm lý là chủ yếu như trường hợp viêm da thần kinh, chỉ khi điều trị các rối loạn tâm lý tốt thì chứng viêm da thần kinh mới khỏi. Khi ngứa kéo dài mạn tính từ 10 - 20 năm thì hành vi gãi sẽ trở thành một hành vi tự động mang tính xung động rất khó từ bỏ và bệnh nhân dường như nghiện gãi vì lúc này gãi có tính chất gây khoái cảm.

    Hơn nữa, người ta nhận thấy hệ thần kinh và da có cùng một nguồn gốc phát triển từ trung bì trong thời kỳ bào thai cho nên điều này lý giải tại sao các tổn thương ở da lại có nguồn gốc từ hệ thần kinh và ngược lại...

    Cải thiện bằng cách nào?

    Trầm cảm có thể là nguyên nhân gây ngứa, thậm chí là yếu tố quan trọng trong việc khởi phát bệnh và làm cho bệnh dai dẳng, trầm trọng. Nhưng đôi khi các bác sĩ lại không đánh giá tầm quan trọng của yếu tố tâm thần tâm lý trong chẩn đoán và điều trị nên kết quả điều trị không như mong muốn.

    Nếu ngứa do nguyên nhân trầm cảm thì cần kê thuốc chống trầm cảm với liều tối ưu và trong thời gian đủ dài để tránh trầm cảm và ngứa diễn tiến kéo dài. Khi điều trị, cần kết hợp điều trị thuốc chống trầm cảm với các trị liệu tâm lý như các liệu pháp thư giãn... và có thể kết hợp với mát-xa để tăng hiệu quả điều trị.

    Gãi ngứa đôi khi cũng là nguồn gốc gây khoái cảm, nên chính hành vi này lại làm cho ngứa kéo dài và gây các tổn thương mạn tính trên da, do đó việc điều trị cần phải kết hợp các thuốc chống trầm cảm làm giảm các hành vi xung động, đồng thời thuốc lại có tính chất giảm lo âu gây ngủ và kết hợp với các liệu pháp hành vi thì mới có kết quả tốt. Người ta cũng thấy rằng, khi các rối loạn tâm thần và tâm lý do ngứa gây ra cho dù có điều trị khỏi nhưng có thể dễ tái phát khi bệnh nhân gặp stress...

    Ngay cả trường hợp ngứa không có trầm cảm thì các liệu pháp tâm lý cũng sẽ cải thiện cảm giác ngứa cũng như hành vi gãi ngứa. Trong thực tế, trường hợp bị ngứa nhiều có tính chất mạn tính và kéo dài trầm trọng như trong trường hợp viêm da cơ địa thì bệnh nhân có thể có những hành vi tự tấn công hay tấn công người khác trong lúc căng thẳng. Ví dụ, có người lấy nước nóng hay nước đá áp vào chỗ ngứa, như vậy dễ gây tổn thương da, đặc biệt là những vùng da nhạy cảm. Khi điều trị tốt về tâm lý thì việc dùng các thuốc nhóm corticoid cũng được giảm đáng kể và giảm được các tác dụng phụ do thuốc...

    Đối với người già có sự đan xen phức tạp giữa yếu tố thực tổn và tâm lý nên cảm giác ngứa đóng vai trò như một kích thích giác quan. Ở trẻ nhỏ, người ta thấy hành vi cào cấu gãi ngứa có giá trị tương tự như hành vi tự tấn công xảy ra với những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm. Và hơn nữa, người ta còn thấy ngứa luôn có nguyên nhân thực tổn ở trẻ em và hành vi gãi ngứa cũng đóng vai trò hành vi vô thức biểu hiện rối loạn trong mối quan hệ giữa mẹ và con...

    Có trường hợp các triệu chứng ngứa lại thể hiện rầm rộ đến mức che lấp các triệu chứng điển hình khác của trầm cảm, gây khó khăn cho chẩn đoán giống như trong trường hợp trầm cảm ẩn... Đặc biệt với các bác sĩ da liễu thường có lo sợ bỏ quên một bệnh lý thực tổn trầm trọng liên quan đến ngứa. Nhưng đôi khi chính họ lại ít quan tâm đến các yếu tố tâm lý khi bệnh nhân bị ngứa nên kết quả điều trị chưa được như mong muốn.

    Theo Sức khỏe và đời sống

    Tin tiêu điểm

    Đừng bỏ lỡ