Bến quê giữa lòng thành phố

Bến quê giữa lòng thành phố

(GD&TĐ) - Được coi là thành phố lớn nhất của cả nước với hơn chục triệu dân sinh sống cùng những đường cao tốc, đại lộ và những cây cầu mang tầm vóc thế kỷ nhưng với những người dân sinh sống lâu đời ở thành phố Hồ Chí Minh, đó lại chưa phải là tất cả của thành phố hơn 300 năm tuổi này. Ở đó, bên cạnh những con sông, con kênh, rạch… là những bến quê nho nhỏ với vô vàn những con người bình dị, những cảnh đời lặng lẽ như từ quá khứ thủơ cha ông ta mở cõi đến bây giờ mới chính là phần hồn, là một nửa phía sau vẻ bề ngoài trang trọng của hòn ngọc Viễn Đông xưa. 

Bến ở thành phố Hồ Chí Minh không chỉ nhộn nhịp trong quá khứ bởi hiện nay, vẫn còn nhiều bến quê tấp nập cảnh buôn bán hàng nông sản, như cách đây hàng trăm năm vậy. Nhớ một buổi chiều, ngồi uống nước ở bên đường Trần Xuân Soạn phía quận 7, nhìn ra khúc sông Kênh Tẻ êm đềm với những chiếc ghe chở đầy dừa tươi, thơm (dứa), chuối treo lủng liểng có cả cây “bẹo” i chang dưới miền Tây Nam bộ mà lòng bỗng dưng nao nao. Ngước mắt nhìn ra xa xa, tòa nhà cao nhất của thành phố mang tên Bác ngạo nghễ vươn mình giữa bầu trời cao xanh vời vợi càng khiến cho cái bến nhỏ nhoi, không tên nhưng nhiều ghe, thuyền nằm ngay dưới chân cầu Tân Thuận này như một bức tranh với nhiều gam màu đan xen một cách tài tình. Ở đó, vừa có những gam màu của hoang sơ, dân dã in bóng xuống dòng kênh với những gam màu đầy lộng lẫy, hiện đại. 

Một bến quê ở phía Nhà Bè
Một bến quê ở phía Nhà Bè

Hầu như tất cả các bến ở Sài Gòn mà tôi từng biết, từng đi qua đều có rất nhiều những cảnh đời, dù nó nhỏ bé với vài cái ghe đuôi tôm mỏng manh. Ở đấy, vui có, buồn có nhưng đều có chung một điểm, luôn ngập tràn tình cảm tương thân tương ái. Từ những con người thương hồ neo lại nơi này trong khoảng lặng giữa hai lần con nước (lớn và ròng) cho tới những con người đã gắn bó nhiều đời với khúc sông này. Họ chia sẻ với nhau từng nải chuối, trái dừa, chục vú sữa rồi nhận về thùng nước sạch, chút điện lúc đêm tối trời hay có thể là một giấc ngủ tạm trong những đêm trời trở mưa gió, nằm trên ghe không tiện… Nói về chuyện này, bà Thuận, một người dân sống ở ngay rạch Ông Lớn (quận 8) chia sẻ: Cách đây mấy chục năm, vợ chồng tôi hồi ấy còn trẻ, cũng là dân thương hồ sông nước nay đây mai đó. Trong một lần cập bến ở đây để bán thơm bỗng trời mưa lớn, ghe bị thấm nước không ngủ được nên hai vợ chồng lên bờ, dựng tạm cái bạt ngủ qua đêm. Những ngày sau trời cứ tầm tã mưa nên chúng tôi tính chuyện ở lại bến này luôn chứ không sống trên sông nữa bởi chiếc ghe đã bị hư hỏng quá nặng. Dần dần, nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, chúng tôi đã dành dụm mua một mảnh đất ở gần bến sông này sinh sống. Nay thấy những bạn bè thương hồ, tôi cứ nghĩ mình đã gặp chính một thời quá khứ của mình.

Ở Sài Gòn cũng có rất nhiều những bến lạ mà chỉ cần nghe tên là đã biết được phần nào về cái bến đó. Như Bến Gạo ở ven kênh Tàu Hũ (quận 8), nơi mà có rất nhiều những ghe, thuyền dưới miền Tây chở lúa gạo, bột cập vào đây để bốc xếp hàng hóa. Nghe mọi người kể, trước đây bến này là nơi duy nhất nhận lúa gạo dưới miền Tây lên bằng đường thủy, sau đó mới vận chuyển sang bên Chợ Lớn rồi từ đó, tỏa về khắp các ngóc ngách của thành phố. Ngày nay, do hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện hơn nên việc vận chuyển lúa gạo ngoài ghe, thuyền còn do các xe contenner vận chuyển nữa khiến lượng hàng hóa ở đây có ít đi. Mặc dù vậy thì hễ nhắc tên Bến Gạo là mọi người, nhất là những ai từng sinh sống lâu năm ở Sài Gòn đều biết ngay. Hay như Bến Cừ ở bên Phước Kiển (Nhà Bè), nơi mà suốt hàng trăm năm qua, hàng triệu những cây cừ tràm ở miệt Nam bộ đã được vận chuyển qua đây. Rồi những bến theo mùa mà ngoài khoảng thời gian ấy ra, ít ai biết đó từng là…bến. Đó là bến hoa ở bên Bình Đông (quận 8) luôn tấp nập vào mùa xuân, bến cỏ ở Củ Chi luôn nhộn nhịp vào lúc đêm khuya, bến Sành ở bên Hóc Môn, đoạn giáp với thị trấn Lái Thiêu (Bình Dương) lại thường có nhiều ghe tới chở chum, vại dịp đầu hè…

Ngày nay, khi mà hàng trăm cây cầu cùng nhiều tuyến đường mới đã được hình thành, dọc ngang khắp các ngõ ngách để người dân đi lại thuận tiện hơn nhưng những cái bến nhỏ bé thì vẫn còn đó, như một chừng tích thời gian của quá khứ xa xưa.  Ngoài ra, nó còn đóng góp vào vòng quay nhộn nhịp của phố phường một nét đẹp văn hóa mà có lẽ, không phải bất cứ thành phố nào cũng có được.

Đoàn Xá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ