10 năm dài chờ đợi, chị Thủy Tiên không còn phải lo lắng, sợ hãi khi đối diện với những cơn đau nôn ói ra máu của cậu con trai nhỏ vì bệnh teo đường mật bẩm sinh. Chị bảo, giờ đây, con trai chị đã có lá gan lành lặn để bắt đầu một cuộc sống mới như bao đứa trẻ khác.
Nhưng ít ai biết rằng, để cậu con trai hết bệnh, chị Tiên phải chấp nhận đau đớn mất đi ¼ lá gan trong cơ thể - đó là hành trình dài với bao khó khăn, mất mát chị dành cho con.
Phát hiện có bệnh về gan khi bé mới 4 tháng
Chị Tiên và bé Khiêm trước khi tiến hành phẫu thuật ghép gan
Sau 19 ngày nằm phòng đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), bé Dương Gia Khiêm (10 tuổi) đã được gặp lại mẹ. Dường như, bé rất hạnh phúc khi được mẹ ôm vào lòng.
Chị Tiên cho hay, bé Khiêm được gần 4 tháng tuổi, gia đình chị phát hiện con có dấu hiệu của bệnh gan. Khi bé lên 3 tuổi rưỡi, họ quyết định đưa lên bệnh viện tiến hành phẫu thuật để cải thiện tình trạng sức khỏe cho con.
Hậu phẫu, vợ chồng chị Tiên hi vọng con trai sẽ phát triển bình thường. Ngờ đâu, sức khẻo của bé diễn biến xấu hơn với biểu hiện nôn ói ra máu nhiều lần.
“Trước kia, vợ chồng tôi đã từng tính đến chuyện ghép gan cho thằng nhỏ. Khi sức khỏe con nguy kịch, chúng tôi quyết định ghép gan để con tiếp tục được sống. Ban đầu, ông xã tính cho gan nhưng nghĩ lại, tôi quyết định sẽ cắt ¼ lá gan vì ba nó là lao động chính trong nhà. Nếu có gì không may, chồng tôi vẫn có thể gồng gánh mọi chuyện” - Chị Tiên tâm sự.
“Tôi quyết dành lại sự sống cho con trai”
Dù phải đánh đổi tính mạng, chị Tiên cũng quyết giành lại sự sống cho con trai
Quyết định “san sẻ” ¼ lá gan cho con, chị Tiên được các bác sĩ cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn về sức khỏe. “Tôi biết cắt bỏ một phần gan khiến sức khỏe yếu hơn nhưng tôi phải tự cứu lấy con mình.
Cho dù phải đánh đổi tính mạng, tôi cũng quyết giành lại sự sống cho con trai. Một ngày không xa, con tôi sẽ trở lại mái trường yêu, học chữ và nô đùa cùng đám bạn bè của nó”chị Tiên nghẹn ngào.
Trước khi lên bàn mổ, bé Khiêm ngỏ lời xin các bác sĩ được về nhà 1 tuần thăm người thân và các bạn. Chị Tiên cho hay, đến lớp chào tạm biệt các bạn, Khiêm đã hứa 2 – 3 năm nữa sẽ quay trở về đi học lại. Khoảnh khắc ấy đã khiến cô giáo và các bạn của Khiêm bật khóc. Họ hi vọng, cậu bé sẽ giữ đúng lời hứa.
“Mẹ con tôi đã vượt qua lưỡi hái của tử thần”
Ngày 28/3 vừa qua, chị Tiên và bé Khiêm đã trải qua ca mổ kéo dài đến 12 giờ đồng hồ
Ngày 28/3 vừa qua, chị Tiên và bé Khiêm đã trải qua ca mổ kéo dài đến 12 giờ đồng hồ. Ca phẫu thuật được chuẩn bị và phối hợp của các ê-kíp phẫu thuật trong và ngoài BV Nhi Đồng 2. Đặc biệt, ca mổ có sự cố vấn của GS.BS Trần Đồng A – chuyên gia đầu ngành về ghép tạng trẻ em.
Phẫu thuật xong, sức khỏe của mẹ con chị Tiên tạm ổn. Tuy nhiên, bé Khiêm đã có chút biến chứng tràn dịch màng phổi và xẹp phổi phải nhưng được bác sĩ xử lý kịp thời. Sau đó, Khiêm được đưa lên phòng chăm sóc đặc biệt. Qua thời gian ngắn, em không còn sốt, hiện tượng vàng da đã hết và ăn uống ngon miệng.
Chị tâm sự: “Mẹ con tôi vừa trải qua lưỡi hái của tử thần trong cuộc phẫu thuật ghép gan. Tôi thì nhờ cậy các bác sĩ lấy đi ¼ lá gan để tái tạo thành lá gan mới cho con. Thằng bé thì vừa thoát khỏi thời khắc thập tử nhất sinh vì diễn biến xấu của bệnh teo đường bẩm sinh. Nhưng sau bao sóng gió, mẹ con tôi đều an toàn. Có lẽ, gia đình tôi sắp được đoàn tụ”.
Sau 19 ngày nằm phòng đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), bé Dương Gia Khiêm đã được gặp lại mẹ
Ca ghép gan cho bé Dương Gia Khiêm được xem là ca ghép gan cho trẻ lớn tuổi nhất cho trẻ từ trước đến nay. Bệnh nhi càng lớn tuổi, phần diện tích gan lấy của người cho càng lớn.
Các bác sĩ tại BV Nhi Đồng 2 đã lấy 370 gram, tương đương ¼ trọng lượng lá gan của người mẹ để thay thế hoàn toàn phần gan của bé Khiêm.
GS.BS Trần Đông A cho biết, ca mổ phải kéo dài đến 12 giờ đồng hồ vì phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Đó là phải xử lý một thể tích gan lớn hơn so với trẻ nhỏ. Người cho gan có những bất thường ở cấu trúc mạch máu gan. Vì vậy, phương pháp mổ khác so với những ca ghép gan trước đây.