Bệ phóng cho SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng kết nối với các trung tâm khởi nghiệp, doanh nghiệp để đào tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho SV.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng và các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp ký kết hợp tác.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng và các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp ký kết hợp tác.

Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo

Theo PGS.TS Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học bao gồm những thành tố quan trọng: Trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, doanh nghiệp phụ trợ, cơ chế chính sách...

Nhà trường đã kết nối với các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để đào tạo, nâng cao năng lực cho dự án nghiên cứu khoa học công nghệ của SV, hướng tới đưa dự án trở thành một start-up.

truong-dh-su-pham-ky-thuat-da-nang-khoi-nghiep.jpg
PGS.TS Phan Cao Thọ trao cho nhóm sinh viên có đề tài giành giải Nhất Cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2025.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết, các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo mà còn là trung tâm khơi nguồn sáng tạo và ươm mầm các dự án khởi nghiệp. Việc chuyển đổi các đề tài khoa học công nghệ sang sản phẩm thị trường là một hành trình dài, đòi hỏi sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách, cơ sở đào tạo và mạng lưới doanh nghiệp.

Nhà trường vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Tư vấn, Đào tạo và Triển khai chuyển đổi số DX82, Công ty TNHH Kỹ Thuật Bklogy, Công ty TNHH MTV Biển - Vườn - Ao - Chuồng - Ruộng - Rừng Bvacrr Việt Nam và Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - Songhan Incubator (SHi) nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong cộng đồng sinh viên. Đây là hoạt động góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại TP Đà Nẵng.

PGS. TS Phan Cao Thọ nhận định: “Trong thời gian tới, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, với sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ; chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên và sinh viên; sự năng động, sáng tạo của thế hệ sinh viên trẻ; cùng với đó là nguồn lực từ các quỹ đầu tư quốc tế và sự hình thành ngày càng rõ nét của mạng lưới khởi nghiệp quốc gia. Tất cả những yếu tố này sẽ tạo nên một hệ sinh thái thuận lợi, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển hóa các ý tưởng nghiên cứu khoa học thành sản phẩm đổi mới sáng tạo và tiến xa hơn đến thực tiễn khởi nghiệp thành công”.

Chân đế vững chắc cho sinh viên khởi nghiệp

“Đào tạo, nâng cao năng lực cho các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ để thực hiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” là một hoạt động do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng thực hiện trong khuôn khổ nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" thuộc Đề án 844.

dao-tao-sv-khoi-nghiep-truong-dh-su-pham-ky-thuat-dh-da-nang.jpg
Một buổi học của sinh viên trong chương trình Đào tạo, nâng cao năng lực cho các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ để thực hiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chương trình có 10 khóa học hoàn toàn miễn phí, được tổ chức từ ngày 15/4 đến ngày 30/6, dành cho sinh viên của 13 dự án đã vượt qua vòng tuyển chọn Cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2025 (SV_STARTUP-2025).

Tham gia chương trình, sinh viên không chỉ được trang bị nền tảng lý thuyết hiện đại gắn với xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn được rèn luyện khả năng tư duy chiến lược, giải quyết vấn đề, quản trị dự án và thương mại hóa sản phẩm một cách thực tiễn và bền vững, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Thông qua các khóa học với đa dạng chủ đề, sinh viên được tiếp cận với phương pháp tư duy đổi mới sáng tạo tiên tiến như Design Thinking, Lean Startup, Agile Innovation...; đồng thời, có cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh chính sách quốc gia, cam kết môi trường toàn cầu và các yếu tố thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Mỗi khóa học là một bước chuẩn bị quan trọng giúp cho các dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến gần hơn đến thị trường.

Sinh viên Lê Anh Vân - Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, thành viên của dự án LotusEase - máy tách vỏ hạt sen tươi bán tự động chia sẻ: “Trong suốt quá trình đào tạo, “Quản lý rủi ro” là chủ đề để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất. Chủ đề này giúp em có cái nhìn rõ ràng hơn về những thách thức có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án, từ thị trường, kỹ thuật đến nhân sự. Trước đây, em thường quá tập trung vào ý tưởng và những lợi ích mang lại mà ít khi nghĩ đến các rủi ro tiềm ẩn của dự án. Sau khi tiếp cận với chủ đề này, em nhận ra rằng việc nhận diện rủi ro và xây dựng các phương án dự phòng hết sức quan trọng - đó chính là yếu tố sống còn giúp dự án tránh bị “vỡ trận” khi xảy ra sự cố”.

Dự án LotusEase - máy tách vỏ hạt sen tươi bán tự động được trao giải Đặc biệt ở Cuộc thi SV_STARTUP-2025. Lê Anh Vân cho biết, nhóm sẽ sử dụng tiền thưởng có được để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm mẫu và tiến hành thử nghiệm thực tế tại các cơ sở chế biến nông sản. Song song đó, với sức lan tỏa từ Cuộc thi, chúng em kỳ vọng dự án sẽ thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, cũng như kết nối với chương trình ươm tạo khởi nghiệp, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường, bắt đầu các vùng trồng sen lớn như Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Nghệ An…”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ