(GD&TĐ) - Chiều 18/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc Phiên họp thứ 34.
Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng bế mạc phiên họp thứ 34 của UBTVQH. |
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên nêu rõ: hiện nay Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử HĐND có quy định khác nhau về nhiều nội dung như: tổ chức phụ trách bầu cử; số lượng cử tri tại mỗi khu vực bầu cử; trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử... Với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng Luật thì sẽ rất phức tạp trong tổ chức thực hiện, gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực sự cấp bách nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương. Dự thảo Luật có 4 điều quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH; việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu HĐND; về đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; hiệu lực thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra tán thành quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND để bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND sắp tới được tiến hành thuận lợi, tiết kiệm, an toàn, dân chủ và đúng pháp luật. Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong lần sửa đổi, bổ sung này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự cần thiết nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn khi tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày. Những vấn đề khác, kể cả những vấn đề về kỹ thuật giữa hai luật bầu cử hiện hành cần có thời gian nghiên cứu và phải sửa đổi cùng với các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với quan điểm nêu trên của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH còn có ý kiến khác nhau về việc có nên tăng số lượng đại biểu HĐND tại các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và một số đô thị lớn hay không. Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, tại các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì số điểm bầu cử sẽ giảm đi. Cần tính tới việc tăng số lượng đại biểu HĐND tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và một số đô thị lớn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng, chưa nên tính tới việc tăng số lượng đại biểu tại các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Bởi sau một năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, hiện chưa có đủ căn cứ để đi đến quyết định tiếp tục hay không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Thực tế, việc tăng hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào việc tăng một vài đại biểu HĐND mà phụ thuộc vào cách thức tổ chức các Ban của HĐND, Văn phòng HĐND các cấp. Do vậy, chỉ nên sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND để cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày tới đây được tổ chức suôn sẻ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Quang Anh