Từng là một ngôi sao khởi nghiệp của Thung lũng Silicon với một công nghệ xét nghiệm máu được quảng bá là mang tính cách mạng, nhân văn, cuối cùng Elizabeth Holmes, 37 tuổi, vừa bị kết tội gian lận vì đã biến công ty khởi nghiệp xét nghiệm máu Theranos của cô thành một trò giả mạo tinh vi.
Hôm 3/1, sau 7 ngày tòa án ở San Jose (bang California) cân nhắc, Holmes bị kết tội với 2 tội danh gian lận điện tử và 2 tội danh âm mưu lừa đảo. Suốt 3 tháng xét xử, hàng chục nhân chứng kể cả chính Holmes và vô số vật chứng đã được trình diện trước tòa. Giờ đây Holmes đối mặt với án tù lên tới 20 năm cho mỗi tội danh, song các chuyên gia pháp lý nói rằng cô khó bị mức án tối đa.
Holmes nổi lên ở Thung lũng Silicon từ năm 2003 với việc thành lập Công ty Theranos khi mới 19 tuổi. Cô cũng tạo cho mình một phong cách giống Steve Jobs khi chỉ mặc áo cổ lọ màu đen. Cô đã thu hút được nhiều nhà đầu tư giàu có tiếng tăm, trong đó có cả ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và nhiều thành viên hội đồng quản trị cao cấp khác. Theo ước tính của tạp chí Forbes năm 2015, tài sản của cô ước tính 4,5 tỉ USD.
Các công tố viên liên bang dành phần lớn thời gian phiên tòa để đưa ra lời khai và bằng chứng cho thấy, trong thời gian từ 2010 đến 2015, Holmes đã lừa gạt các nhà đầu tư tư nhân bằng cách thuyết phục họ rằng những chiếc máy nhỏ của Theranos có thể chạy một loạt xét nghiệm chỉ với 1 giọt máu từ một lần lấy máu ngón tay.
Theranos dường như muốn cách mạng hóa việc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, song thật ra công ty đã sử dụng những chiếc máy thông thường do Siemens sản xuất để chạy xét nghiệm cho bệnh nhân - bên công tố cho biết.
Cô từng được miêu tả như một người tiên phong khi đưa ra cách xét nghiệm nhân văn hơn, thuận tiện và rẻ hơn để tìm ra hàng trăm căn bệnh chỉ bằng lấy vài giọt máu nhờ châm kim đầu ngón tay, thay vì lấy máu tĩnh mạch.
Cô định lật đổ một ngành công nghiệp thống trị bởi những công ty xét nghiệm khổng lồ như Quest Diagnostics và Labcorp bằng cách lập nên những “phòng thí nghiệm mini” trong các siêu thị Walgreens và Safeway trên khắp nước Mỹ, trong đó chỉ sử dụng một chiếc máy nhỏ của Theranos có tên là Edison để chạy các xét nghiệm tốt hơn, nhanh hơn và ít xâm nhập hơn.
Ý tưởng đó và cách Holmes thể hiện nó đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua cổ phiếu sớm của công ty và giúp Theranos thu hút được hơn 900 triệu USD từ các nhà đầu tư công nghệ.
Theranos sụp đổ sau khi tờ Wall Street Journal công bố một loạt bài báo cho biết, các thiết bị của công ty bị lỗi và không chính xác. Năm 2018, Holmes bị truy tố cùng với cựu Giám đốc điều hành của Theranos là Ramesh “Sunny” Balwani, đồng thời cũng là người tình của cô ta trong khoảng thời gian 2009 - 2016. Balwani sẽ bị xét xử sau.
Trong phiên tòa, các thẩm phán đã nghe lời khai từ những cựu nhân viên của Theranos. Họ cho biết, họ đã bỏ việc sau khi chứng kiến những vấn đề về công nghệ của công ty.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân cũ khai rằng, họ lẽ ra không sử dụng công nghệ của Theranos nếu họ biết rằng các xét nghiệm bị lỗi. Holmes bị cáo buộc lừa gạt bệnh nhân về độ chính xác của các xét nghiệm, song cô được tha bổng về những cáo buộc này do không đủ bằng chứng.
Các nhà đầu tư khai Holmes đã đưa ra một loạt tuyên bố sai lệch về Theranos, trong đó có thông tin rằng máy móc của công ty được quân đội Mỹ sử dụng tại thực địa. Theo công tố, nếu Holmes thành thật với các nhà đầu tư và bệnh nhân thì công ty chắc chắn không bao giờ thu hút được nguồn tài trợ và nguồn thu lớn đến thế.
“Cô ta chọn lừa đảo hơn là thất bại trong kinh doanh, chọn gian dối. Sự lựa chọn đó không chỉ là nhẫn tâm, mà còn là tội phạm” - Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jeff Schenk nói.