Bầu Đức đặt cược vào canh bạc chứng khoán hóa nông nghiệp

Sau cuộc đại phẫu bán 6 dự án thủy điện, tách mảng gỗ đá, thanh lọc bất động sản Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục gom toàn bộ mảng nông nghiệp về một mối và niêm yết lên sàn chứng khoán.

Bầu Đức đặt cược vào canh bạc chứng khoán hóa nông nghiệp

Ngày 20/7 tới, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico. Mã CK: HNG) sẽ chào sàn HOSE. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng. Biên độ dao động giá trong ngày đầu lên sàn là +/-20%.

HAGL Agrico quy tụ cao su, mía đường, cọ dầu, bò thịt, bò sữa của tập đoàn HAGL về một mối với quỹ đất 88.000 hecta tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Tổng tài sản tính đến tháng 3/2015 là 18.237 tỷ đồng. Doanh thu năm 2014 đạt 2.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 759 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 dự kiến 1.500 tỷ đồng, năm 2016 là 3.100 tỷ đồng, cổ tức 10-15%.

Việc niêm yết HNG đúng lúc HAGL đang tái cấu trúc hơn 4.200 tỷ đồng nợ trái phiếu được xem là cú hích tinh thần lẫn tài chính cho công ty mẹ (đang sở hữu gần 80% cổ phần HAGL Agrico). Tuy nhiên, trong bối cảnh cổ phiếu nông nghiệp vẫn còn là khẩu vị mới mẻ đối với giới đầu tư, ngày 17/7, trong lễ giới thiệu công ty HNG, hàng loạt hoài nghi về canh bạc chứng khoán hóa nông nghiệp của tập đoàn đã bị đem ra mổ xẻ.

Các nhà đầu tư băn khoăn giá cổ phiếu HAG (công tỵ mẹ) chốt phiên ngày 17/7 chỉ ở mức 18.700 đồng trong khi HNG (công ty con) niêm yết 28.000 đồng liệu có quá cao? Nhiều ý kiến lo ngại viễn cảnh đàn bò thịt tăng mạnh về số lượng có thể khiến thị trường bão hòa. Sức đề kháng của công ty nông nghiệp sẽ đến đâu trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường nông sản (rớt giá hàng loạt) như thời gian qua?

Tổng giám đốc HAGL, Võ Trường Sơn xác nhận giá cổ phiếu HAG và HNG đúng là có sự chênh lệch lớn. Song HAG ở mức 18.700 đồng đang bị thấp so với giá trị sổ sách và niềm năng của công ty chứ không phải HNG chào giá cao. Nhìn lại lịch sử, HAG từng đạt 27.000 đồng một cổ phiếu.

HNG có giá tham chiếu chào sàn 28.000 đồng một cổ phiếu dựa trên giá trị sổ sách, dòng tiền và triển vọng phát triển của các cây trồng và vật nuôi. Để xác định được mức giá này, doanh nghiệp đã tham khảo sự tư vấn của giới chuyên môn. "Việc niêm yết và xác lập đúng giá trị của cổ phiếu HNG kết hợp với tái cơ cấu nợ HAG thành công có thể kéo giá HAG lên cao hơn mức 18.700 đồng hiện nay", ông Sơn dự báo.

a-tb-Bau-Duc-dat-cuoc-vao-c-7460-1437196

Bầu Đức tin tưởng niêm yết công ty nông nghiệp (bò, cao su, mía đường, cọ dầu) lên sàn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho công ty mẹ. Ảnh: Vũ Lê

Chủ tịch HAGL Group kiêm Chủ tịch HAGL Agrico, Đoàn Nguyên Đức cho biết: "Chứng khoán hóa nông nghiệp là lựa chọn hàng đầu của tập đoàn sau giai đoạn hậu tái cấu trúc 2013-2014. Có thể mọi người hoài nghi nhưng chúng tôi có niềm tin vững chắc với con đường này".

Bầu Đức phân tích, tất cả cây trồng, vật nuôi đều đã bước qua thời kỳ tiền trạm (đầu tư bước đầu) và sẵn sàng cho mùa gặt hái. Cây mía 2 năm qua có tổng lượng đường bán ra đạt 150.000 tấn. Với 6.000 hecta, năng suất 100 tấn một hecta, doanh nghiệp ra lò 60.000 tấn đường mỗi năm.

Chính phủ Lào và Việt Nam đã ký thỏa thuận biên mậu (mậu dịch giáp biên giới) cho phép nhập sản phẩm của doanh nghiệp 2 nước với thuế suất 0% (trong đó có đường, cao su, cọ dầu, bò và cỏ). Tập đoàn cũng đã được phép nhập 50.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam trong năm nay.

Cây bắp, cọ dầu đều ổn định. Bò thịt và bò sữa đang từng bước nhân rộng số lượng đàn. Cuối năm 2015 sẽ nâng đàn bò lên 150.000 con, năm kế tiếp tăng gấp đôi. Riêng cây cao su, do giá sản phẩm này đang ở mức thấp, công ty khoán nhân công theo số lượng mủ cạo được để tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.

Người đứng đầu HAGL thừa nhận, cao su từng đạt giá 5000 USD một tấn thời kỳ cơn sốt vàng trắng (mủ cao su) lên cao là lý do ông đã dốc toàn lực đầu tư vào loại cây này. Năm 2014 giá cao su rớt sâu, còn 1.500-1.600 USD mỗi tấn. Malaysia, Indonesia, Thái Lan chiếm 70% thị phần, với giá này họ đều bị lỗ vì chi phí nhân công cao.

Song, may mắn của doanh nghiệp là nhờ làm nông nghiệp công nghệ cao nên cao su có giá thành cạnh tranh 1.150-1.300 USD một tấn, bán 1.500 USD mỗi tấn tuy không lời nhiều nhưng chưa tới mức lỗ. 

Thêm vào đó, số cao su đến chu kỳ khai thác chưa đáng kể. Năm 2015 chỉ mới cạo mủ 6.500 hecta, năm 2016 sẽ thu hoạch 12.000 hecta trên tổng số hơn 38.000 hecta. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam hy vọng một vài năm tới, khi rừng cao su của HAGL vào giai đoạn cạo mủ hàng loạt thì giá mặt hàng này sẽ kịp bình ổn trở lại.

"Nếu năm 2017-2018 giá cao su vẫn đi xuống thì lợi nhuận của HNG và HAG sẽ bị suy giảm lớn. Năm 2016 HAGL không có bò thì tôi cũng "bò" theo luôn. May mắn là ngoài cao su, còn có đàn bò, mía đường, cọ dầu", bầu Đức ví von.

a-tb-2-bau-duc-dat-cuoc-vao-ca-7228-6633

Robot của HAGL thu hoạch nông sản. Ảnh: Vũ Lê

Đáp lại lo ngại thị trường bò thịt bão hòa, Chủ tịch HAGL tranh luận, tăng trưởng sức tiêu thụ thịt bò đang đạt 15% hàng năm, cơ cấu thịt bò trong bữa ăn người Việt hiện còn thấp. Do đó, dư địa phát triển thị trường vẫn còn rất lớn. 10 năm tới, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập bò số lượng lớn để phục vụ thị trường. Chưa kể nguồn bò Mỹ, Australia, hiện bò nhập từ Lào, Campuchia về Việt Nam qua đường tiểu ngạch ước tính không dưới một triệu con.

Bầu Đức khẳng định, 300.000 con bò vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thậm chí doanh nghiệp có tham vọng tiếp tục mở rộng phát triển đàn bò lên nửa triệu con. Ông tin tưởng với công nghệ chăn nuôi tiên tiến của HAGL, dù giá thịt bò có giảm, doanh nghiệp vẫn không ngại nhờ chi phí cạnh tranh.

Về giá nông sản biến động, bầu Đức khẳng định, có thể là yếu tố quyết định thành bại của các đơn vị làm ăn theo kiểu manh mún, lạc hậu, nhưng với HAGL (quy mô lớn, công nghệ cao, chi phí rẻ) thì không đáng lo ngại.

Mặc dù bức tranh niêm yết HNG khá tươi sáng và có thể ảnh hưởng tích cực đến HAG nhưng giới chuyên môn vẫn tỏ ra thận trọng. Một chuyên gia kinh tế nhận xét, nhiều năm qua, kỳ đại hội cổ đông nào HAGL cũng đều công bố lĩnh vực kinh doanh mới: từ khu phức hợp Myanmar đến cọ dầu, bắp, rồi đàn đại gia súc.

Năm nào dòng tiền cũng phải đổ vào những thị trường hoặc ngành nghề mới. Chấp nhận thách thức để săn lùng cơ hội là tố chất cần thiết của doanh nghiệp. Thế nhưng mảng nông nghiệp quy mô lớn đã ngốn dòng vốn đáng kể trong nhiều năm, dòng tiền trả về chưa tương xứng. "Đây là điều cần phải cải thiện vì bung sức ở nhiều mặt trận có thể bị quá tải", ông nói.

Theo vị này, chứng khoán hóa nông nghiệp vẫn còn mới tại thị trường Việt Nam, đặc biệt nhóm nông nghiệp kỹ thuật cao, quy mô đại công nghiệp hầu như chưa có tiền lệ. Khẩu vị của nhà đầu tư đã quen với cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, tiêu dùng, bất động sản cũng là thách thức đối với HNG.

Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Maybank Kim Eng, Phan Dũng Khánh nhận xét, giá tham chiếu HNG trong ngày đầu chào sàn là 28.000 đồng một cổ phiếu khá phù hợp với giá trị sổ sách cũng như tiềm năng của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ số tài chính cấu thành nên giá, còn có một thước đo nữa là mức giá được thị trường chấp nhận (giá khớp lệnh). "Do đó, cần phải chờ một tuần giao dịch để đánh giá cụ thể sức hấp dẫn của cổ phiếu này", ông cho hay.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ