Bầu cử Tổng thống ở Iran: Chiến thắng của tư tưởng cải cách

Bầu cử Tổng thống ở Iran: Chiến thắng của tư tưởng cải cách

(GD&TĐ) - Thứ sáu (14/6), gần 37 triệu người trong tổng số hơn 50 triệu cử tri Iran đã đến 60 ngàn điểm bỏ phiếu ở trong nước và 290 điểm bỏ phiếu ở 96 nước trên thế giới để bầu Tổng thống thứ 7 trong lịch sử của nước cộng hòa Hồi giáo. Đây là cuộc bầu cử hết sức đặc biệt bởi thời gian bỏ phiếu được kéo dài tận 5 tiếng đồng hồ so với thời điểm dự kiến đóng cửa trước đó. Đặc biệt hơn, đây là cuộc bầu cử có khả năng mở ra một tương lai mới, tươi sáng hơn cho một đất nước đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề do chính sách cấm vận của phương Tây.

g
Tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Cuộc bầu cử lịch sử

Theo dự kiến, cuộc bầu cử được bắt đầu vào lúc 8h sáng và kết thúc vào 18h (giờ địa phương). Tuy nhiên, cuộc bầu cử diễn ra không theo dự kiến. Số là lãnh đạo tối cao Ali Khamenei tình nguyện đi bỏ phiếu đầu tiên và kêu gọi người dân tích cực đi bỏ phiếu. “Số phận của đất nước và sự thịnh vượng của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia bỏ phiếu của công dân. Kẻ thù đã cố gắng tạo ra bầu không khí mất lòng tin để mọi người không đi bỏ phiếu”- Ali Khamenei tuyên bố.

Ngay từ đầu, trong bối cảnh người dân Iran đi bỏ phiếu rất đông, Bộ Nội vụ Iran đã tính đến khả năng kéo dài thời gian bỏ phiếu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mostafa Mohammad Najjar cho biết: “Theo luật pháp, thời gian bầu cử là 10 giờ đồng hồ, tuy nhiên, để phù hợp với quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và nhu cầu tương ứng, thời gian bỏ phiếu có thể kéo dài”.

Trên thực tế, thời hạn kết thúc bầu cử được kéo dài từng giờ. Lúc đầu là gia hạn thêm 2 giờ, sau kéo dài đến 23h (giờ địa phương). Đặc biệt, ở các thị trấn nhỏ và làng mạc hẻo lánh, cuộc kiểm phiếu chỉ được bắt đầu sau 22h. Phần lớn các ứng cử viên Tổng thống Iran chọn thời điểm đi bầu đầu tiên ở các điểm bỏ phiếu mà họ tham gia bầu. Thủ đô Tehran có 1600 điểm bỏ phiếu. Theo ghi nhận của phóng viên Ria - Novosti, vào buổi trưa, số người tham gia bầu cử ở mỗi điểm bỏ phiếu có thể lên đến 2000 người. Các điểm bỏ phiếu được giám sát bởi các đại diện của Bộ Nội vụ, Ủy ban Bầu cử cũng như các đại diện của từng ứng cử viên Tổng thống. Các nhà quan sát ghi nhận không có bất cứ vi phạm nào ở các điểm bầu cử.

Theo kết quả chính thức được Bộ Nội vụ Iran thông báo, giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách Hassan Rohani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này với 50,86% phiếu bầu, bỏ xa các đối thủ còn lại (Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf - 15,8%, Saeed Jalili-11,5%...).

Những thách thức đang ở phía trước

Chiến thắng của Rouhani được coi là khá bất ngờ bởi ông là người duy nhất trong 6 ứng cử viên Tổng thống trong chiến dịch tranh cử hứa sẽ bình thường hóa quan hệ với phương Tây - một tuyên bố khá lạc lõng ở một đất nước được ngự trị bởi tư tưởng bảo thủ do Đại giáo chủ - thủ lĩnh tinh thần tối cao Ali Khamenei cầm đầu. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc ta sẽ thấy đây là chiến thắng của phe cải cách với những cái tên từng khuynh đảo chính trường Iran như Hashemi Rafsanjnai, Mohammad Khatami… trước phe bảo thủ của thủ lĩnh tối cao Ali Khamenei. Bằng chứng là ứng cử viên Saeed Jalili- người nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Ali Khamenei chỉ giành được 11,5% số phiếu.

Thủ lĩnh tối cao Ali Khamenei đã chúc mừng Hassan Rouhani và kêu gọi người dân Iran ủng hộ tân Tổng thống. Tiếp theo, đại diện nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã chúc mừng chiến thắng của Hassan Rouhani.

Ngày thứ bảy (15/5), người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng đàm phán với Chính phủ Iran để đạt được một giải pháp ngoại giao có thể đáp ứng trọn vẹn sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran”. “Chúng tôi hy vọng Chính phủ Iran sẽ phục tùng ý chí của nhân dân Iran và thực hiện một sự lựa chọn mang tính quyết định vì tương lai tươi sáng cho người dân Iran” - Jay Carney nhấn mạnh.

Đại diện An ninh và Đối ngoại của EU Catherin Ashton cam kết sẽ thắt chặt quan hệ với tân Tổng thống Hassan Rouhani để “tìm một giải pháp nhanh chóng cho chương trình hạt nhân của Iran bằng con đường ngoại giao”.

Những đòn trừng phạt của phương Tây trong những năm qua đã đẩy nền kinh tế Iran vào vòng xoáy khủng hoảng: Lạm phát tăng cao (27,4%), tỷ lệ thất nghiệp lên tới 14%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Trong quan hệ quốc tế, tham vọng hạt nhân và thái độ cứng rắn của chính quyền M.Ahmadinejad đã đẩy Iran vào thế cô lập, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bị tấn công quân sự.

Trong bối cảnh ấy, Iran cần một người cầm lái có thể đưa đất nước ra khỏi khó khăn và Hassan Rouhani có thể đáp ứng được yêu cầu ấy. Hassan Rouhani là “cầu nối” quan trọng giữa phe bảo thủ của thủ lĩnh tối cao Ai Khamenei với những chính trị gia theo đường lối cải cách - những người đang kêu gọi cần thực dụng hơn trong quan hệ với phương Tây. Cho dù quyết định cuối cùng vẫn thuộc về thủ lĩnh tối cao Ali Khamenei nhưng chiến thắng của Hassan Rouhani sẽ mở ra một chân trời mới cho nước cộng hòa Hồi giáo.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ