Bất động sản sơ cấp “ngược dòng” tăng giá

Bất động sản sơ cấp  “ngược dòng” tăng giá

Giá chủ đầu tư chào bán tăng 15%

Theo báo cáo thị trường nhà ở TPHCM quý I/2020 của CBRE Việt Nam, dịch Covid-19 khiến giá bất động sản trên thị trường thứ cấp giảm 10% nhưng giá chào bán trên thị trường sơ cấp vẫn tăng 15%.

CBRE Việt Nam cho biết, các dự án bất động sản mới gia nhập thị trường trong mùa dịch sụt giảm mạnh về số lượng, nhưng giá bán bình quân tại thị trường sơ cấp, các chủ đầu tư chào bán lần đầu tăng 15% theo phương pháp đối chiếu mặt bằng giá cùng khu vực (so sánh với giá các dự án tọa lạc tại vị trí tương đồng chào bán trước năm 2019).

Ông Trần Phương Bình - Chủ sàn giao dịch bất động sản Hưng Thành Land, quận Thủ Đức có đánh giá về tính “ngược dòng” trong bối cảnh dịch Covid-19 là không khó hiểu. “Đơn giản hơn một năm trở lại đây các dự án mới ra hàng gần như rất ít. Nguồn cung hạn chế cộng với thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý để đủ điều kiện mở bán kéo dài đã khiến cho chi phí đầu vào sản phẩm cao. Do đó, giá thành sản phẩm khi đưa ra thị trường tăng so với trước đây là điều đương nhiên” – ông Bình nói.

Thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, lệnh giãn cách xã hội được triển khai, chỉ tính riêng khoảng thời gian 3 tháng sau Tết, cả nước đã có tới gần 300 sàn giao dịch bất động sản lớn nhỏ phải đóng cửa (theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam), hàng nghìn nhân viên sale mất việc khi thị trường không có sản phẩm mới để ra và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Xu hướng chung giá mặt bằng căn hộ cho thuê, bán, sang nhượng đều sụt giảm 5% khi các nhà đầu tư bán tháo cắt lỗ.

“Riêng phân khúc căn hộ nhu cầu mua để ở, mua để đầu tư và nhóm khách nước ngoài đều giảm. Lượng giao dịch trong quý giảm đến 80% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3% (theo Hiệp hội Môi giới bất động sản). Tại TPHCM, tỷ lệ tiêu thụ căn hộ quý I/2020 giảm 37% so với cùng kỳ năm trước” – đại diện CBRE Việt Nam cho biết.

Báo cáo cập nhật giá căn hộ chung cư của Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL- một công ty nghiên cứu về thị trường bất động sản) mới đây cũng cho thấy, giá chào bán trung bình của toàn thị trường sơ cấp (từ chủ đầu tư) trong 3 tháng đầu năm có xu hướng giảm mạnh, đạt 2.452 USD/m2, giảm 15% so với quý IV/2019. Theo JLL, cho đến nay các nhà đầu tư vẫn cố gắng giữ mức giá mà họ lập ra từ trước khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn không có gì biến chuyển, các chính sách giảm mạnh giá bán có thể được tung ra, thực tế nhiều đơn vị như Asian Holding hay Tập đoàn Hưng Thịnh đã đưa ra mức chiết khấu cho sản phẩm khá cao trong mùa dịch.

Đất nền liền thổ không “trôi”

Bất động sản sơ cấp  “ngược dòng” tăng giá ảnh 1
Một góc khu dân cư có quy mô hàng trăm nền đất tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương có giá khá “chát” so với năm 2019. Ảnh: TG

Bối cảnh của thị trường bất động sản TPHCM hiện nay khá “mờ mịt”. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt ngay trong quý II/2020 thì nhiều khả năng thị trường bất động sản vẫn có khả năng chịu đựng. Các phân khúc như nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền liền thổ vẫn có thể giữ ổn định về giá, thậm chí tăng. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài lâu thì rất có thể thị trường bất động sản sẽ rơi vào “ngủ đông”.

Thống kê của JLL quý I/2020 cho thấy, tổng lượng bán nhà liền thổ tại TPHCM trong quý I/2020 thấp hơn mức trung bình hàng quý trong 5 năm qua, với tổng số 366 căn được giao dịch thành công. Sự bùng phát của dịch Covid-19 chính là nguyên nhân làm giảm đà tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên, JLL cho rằng lượng bán quý này vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng nhiều. Vì hầu hết lượng bán này đã được thực hiện trong các sự kiện tiền mở bán từ trước khi dịch bùng phát.

Theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nhu cầu mua nhà, đất thổ liền kề mùa dịch chủ yếu đến từ những người mua để ở, muốn tìm nhà rộng rãi với nhiều cây xanh và môi trường sạch sẽ hơn. Một số ít đến từ các nhà đầu tư lẻ có dòng tiền nhàn rỗi.

Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nếu phân tích sâu, chỉ là tác động ngắn hạn, còn về lâu dài bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng. Điều này đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008 - 2011, những người bắt đáy có tầm nhìn xa đều thu được lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, dù hiện nay dịch ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư âm thầm mua nhà, đất liền thổ giữ tiền

“Thực tế, trong bối cảnh thị trường khủng hoảng, nhà ở với giá vừa túi tiền vẫn có nhu cầu cao. Chính lý do đó mà giá nhà đất liền thổ “không trôi”, thậm chí tăng nhẹ so với cùng thời điểm năm trước vì hiếm hàng.

Hiện những giải pháp hỗ trợ nhanh chóng của Chính phủ như giãn tiền thuế, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hay đẩy mạnh đầu tư công, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng… đã được thực hiện và bơm vào nền kinh tế sẽ có tác động tích cực lên thị trường bất động sản thời gian tới. Vì vậy, thời điểm này, các nhà phát triển nên tăng cường đầu tư vào phân khúc này, cân bằng cung - cầu giúp thị trường phát triển bền vững sau dịch” – ông Châu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ