Nguy cơ sốc phản vệ rình rập
Liên quan đến 2 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cách đây chưa lâu, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Sở Y tế cũng kiểm tra danh sách bác sĩ tham gia khám chữa bệnh và quy trình hồ sơ khám chữa bệnh của Bệnh viện Trí Đức. Theo đó, các bác sĩ thực hiện đúng quy trình và hồ sơ đã được niêm phong. Thuốc được bảo quản đúng quy trình, đảm bảo được nhiệt độ, độ ẩm của thuốc. Hiện tại, toàn bộ hồ sơ vụ việc được giao cho cảnh sát điều tra công an quận Hai Bà Trưng xem xét giải quyết theo đúng quy định.
Khi phóng viên hỏi, với chỉ định cắt amidan, người bác sĩ lựa chọn gây mê có hợp lý không? Đại diện Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Các bác sĩ đã chỉ định đúng theo kỹ thuật này. Các bác sĩ với tay nghề cao sẽ cân nhắc kỹ cần sử dụng phương pháp nào cho các bệnh nhân khác nhau. Bà Hà thông tin, hai bác sĩ trực tiếp gây mê cho hai bệnh nhân trên là bác sĩ Chu Đức Khánh và Đỗ Thị Liên. Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã làm việc với hai bác sĩ này. Sở Y tế cũng đã đình chỉ hai kíp mổ ngày 25/12 và toàn bộ hoạt động phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức.
Vụ việc trên khiến cho nhiều người bất an lo lắng về tỷ lệ sốc phản vệ tại các cơ sở y tế. Ở các nước phát triển, tỉ lệ sốc phản vệ tính trên dân số hàng năm là 5/1.000.000. Ở nước ta, theo thống kê chưa đầy đủ, tỉ lệ này vào khoảng 8,5/1.000.000 cao hơn các nước phát triển 1,7 lần. Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ như thuốc, thức ăn, nọc côn trùng… trong đó thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho người bệnh, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ Beta - lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê…
Làm gì hạn chế sốc phản vệ?
PGS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam thông tin, tai biến, sốc phản vệ có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh, bao gồm thuốc men, vắc xin. Tỷ lệ sốc phản vệ tùy vào từng loại thuốc bởi mỗi loại thuốc có tỷ lệ gây tai biến khác nhau, cơ thể khác nhau cũng cho tỷ lệ khác nhau. Nó có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào đối với người bệnh.
Câu hỏi làm gì để phòng tránh bị sốc phản vệ là quan tâm của nhiều nhân viên y tế hiện nay. Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1 - 2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch. Vì vậy, người dân hãy lưu ý những điều sau để phòng tránh bị sốc phản vệ.
Theo đó, nếu người có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi được đơn thuốc vì những người như bạn sẽ rất dễ bị dị ứng khi dùng thuốc. Hãy luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng. Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi.. hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như sốc phản vệ. Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15 - 30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.
Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.
Biểu hiện của người bị sốc phản vệ:
Bệnh nhân thấy khó thở, ngạt, tím tái, suy hô hấp cấp do co thắt phế quản gây nghẹt thở. Bệnh nhân nhanh chóng bị đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức lơ mơ, nói lảm nhảm, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê. Nếu bị sốc phản vệ do thực phẩm hay thuốc qua đường uống gây nên, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, ỉa chảy không kiểm soát, thậm chí chảy máu tiêu hóa. Da của người bị sốc phản vệ bị mẩn ngứa, nổi mề đay, phù Quincke (là tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh và đột ngột ở cả vùng dưới và trên bề mặt của da và niêm mạc, chủ yếu xuất hiện ở lưỡi, môi, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng và bộ phận sinh dục).