Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Gắn quyền lợi cộng đồng với khai thác di sản

GD&TĐ - Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng, sinh động với nhà hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2004. Tuy nhiên, với đặc thù có cư dân sinh sống trong lòng di sản, giải pháp nào để bảo tồn, phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống của khu phố cổ vẫn còn nhiều thách thức.

Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Gắn quyền lợi cộng đồng với khai thác di sản

Góp nguồn lực bảo tồn phố cổ

Theo TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội: Khu phố cổ Hà Nội hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú của Thăng Long. Đó là 121 di tích lịch sử - văn hóa gồm 51 đình (trong đó có nhiều đình thờ tổ nghề), 25 đền miếu (có các đền thờ danh nhân, đền thờ Mẫu…).

Khác với các phố cổ trên thế giới, phố cổ Hà Nội diễn ra đồng thời nhiều hoạt động của đời sống xã hội, lưu giữ một kho tàng di sản với 121 di tích lịch sử - văn hóa phong phú của Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn các nhà di sản tổ nghề cùng với một số phố nghề.

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo các di tích có giá trị văn hóa, lịch sử trong khu phố cổ, đặc biệt là việc mở rộng tuyến phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I gắn với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân nhằm từng bước xây dựng và phát triển khu phố cổ Hà Nội thành không gian đi bộ, tạo ra nét văn hóa đặc trưng riêng của quận Hoàn Kiếm.

Thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng

TS Lưu Minh Trị cho biết, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khu phố cổ Hà Nội là một công việc rất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Phố đi bộ không chỉ là thành quả của giao thông đô thị, mà nó còn là nơi hấp dẫn du khách nhờ văn hóa và sinh hoạt hàng ngày của con người. Do vậy, đầu tiên phải chú trọng đến yếu tố con người, hài hòa với đời sống người dân chứ không chỉ tập trung cho hoạt động thương mại, du lịch.

ThS Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội nhận định: “Dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này, đồng thời cũng nhiều gia đình từ nơi khác mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, một số lượng lớn lao động từ các nơi khác cũng đổ về để kiếm sống, thậm chí chỉ đơn giản bằng các nghề phục vụ, lao động phổ thông… Trên lĩnh vực ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán cũng có nhiều thay đổi. Trước tiên là sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập… Các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Phong tục tập quán dưới tác động của cơ chế thị trường cũng có nhiều thay đổi, lối sống truyền thống cũng bị mai một, thay vào đó là phong cách sống mới theo nhịp độ nền kinh tế thị trường”.

Vì thế, các hoạt động trong không gian phố đi bộ dù đặc sắc đến đâu nhưng nếu không có sự tham gia, lồng ghép, gắn kết với đời sống sinh hoạt của người dân ở đó, thì sẽ rất khó duy trì. Cần tuyên truyền, thuyết phục người dân khu phố cổ Hà Nội nhận thức giá trị văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội là di sản quý báu của chính họ, cần phải gìn giữ bảo tồn, phát huy. Quan trọng là làm cho mỗi người biết tự hào và có trách nhiệm hơn với không gian sinh hoạt cộng đồng này.

Ngày nay, trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, lễ hội truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội không còn diễn ra đầy đủ như thời xưa nhưng vẫn được cộng đồng duy trì các lễ hội ở cấp độ khác nhau, hấp dẫn người dân phố cổ và khách du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

GD&TĐ - Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.