Trung Quốc mới khởi động chiến dịch giáo dục trên toàn quốc nhằm đối phó với vấn đề này…
Bức tranh bạo lực đen trong trường nội trú
Viện Nghiên cứu Tài chính GD Trung Quốc thuộc ĐH Bắc Kinh, Viện Dân số và Kinh tế Lao động, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phối hợp nghiên cứu vấn đề bạo lực trong trường học nông thôn.
Nghiên cứu dựa trên khảo sát 17.000 học sinh lớp 4 và lớp 5 tại 137 trường tiểu học tại 5 huyện nằm ở phía Bắc và Tây Trung Quốc. Hơn 10.000 giáo viên và phụ huynh cũng được khảo sát trong nghiên cứu bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2015.
Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố, 36% có cả bố và mẹ làm việc tại các thành phố khác trong hơn 6 tháng và 60% có bố hoặc mẹ làm việc xa nhà. Trong nghiên cứu, 31,7% học sinh cho biết bị bắt nạt 2 hoặc 3 lần/tháng, và với 16,5% là ít nhất 1 lần mỗi tuần. Hơn 48% nhìn thấy học sinh khác trở thành nạn nhân của những kẻ bắt nạt 2 hoặc 3 lần/tháng.
Đối với học sinh “bị bỏ lại sau” (chỉ những học sinh ở lại quê nhà, trong khi bố mẹ lên thành phố kiếm việc làm) thua kém nhiều về sức khỏe thể chất (chiều cao và trọng lượng), ngủ không ngon giấc, quan hệ cá nhân và kết quả học tập.
Hơn 18% học sinh “bị bỏ lại sau” phải học lại một lớp, nhiều hơn 2,3% so với bạn đồng lứa có bố mẹ sống cùng; bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ “bị bỏ lại sau” bị trầm cảm cũng cao hơn 8%.
Trung Quốc hiện có khoảng 33 triệu học sinh trong các trường nội trú nông thôn. Hệ thống trường này nhận ít nhất 10 tỉ tệ (1,5 tỉ USD) ngân sách từ Bộ Tài chính từ năm 2004 – 2008.
Khẩn cấp đối phó với bạo lực học đường
Những câu chuyện, hình ảnh và video ghi lại các vụ bạo lực học đường tràn lan trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Nghiên cứu năm 2012 tại bốn thành phố phía Nam Quảng Đông cho thấy, 21% học sinh trung học có liên quan đến bạo lực học đường, hoặc là nạn nhân, hoặc thủ phạm, hoặc cả hai.
Vấn nạn bạo lực học đường hiện phổ biến trong 1/5 số học sinh. Tuy nhiên, thủ phạm thường chỉ bị cảnh cáo và đánh dấu vào học bạ bởi Luật Bảo vệ trẻ em Trung Quốc quy định trẻ vị thành niên, dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý trừ khi phạm tội nghiêm trọng, chẳng hạn như giết người.
Trước vấn nạn bắt nạt và bạo lực học đường gia tăng tại Trung Quốc, cơ quan quản lí GD trung ương đã phát động chiến dịch nhằm kìm cương tệ nạn này.
Một chương trình ngăn chặn bắt nạt và bạo lực được triển khai ở trường tiểu học, trung học và trung học nghề. Chiến dịch tập trung giáo dục sức khỏe và luật pháp cho học sinh.
Nhưng Luật Hình sự Trung Quốc không trừng phạt tội phạm dưới 14 tuổi và đối tượng thanh thiếu niên từ 14 – 18 tuổi thường bị phạt rất nhẹ. Một số chuyên gia luật đề xuất có các biện pháp phạt thay thế cho bỏ tù như học luật cưỡng bức, lao động công ích…
Chiến dịch chống bạo lực sẽ kéo dài tới cuối năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi phải bền bỉ, kéo dài.