Trong thời gian qua, phương Tây đóng vai trò là kho vũ khí và “ngân hàng” đầu tư cho Kiev nhưng giờ đây, câu hỏi không phải là ai sẽ thắng, mà là khi nào cuộc chiến mới chấm dứt?
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nền kinh tế thế giới đã gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhưng kể từ sau đó, lạm phát tăng cao kết hợp với khủng hoảng năng lượng và lương thực đã thay đổi cuộc sống không chỉ của người dân phương Tây, mà còn lan rộng sang các châu lục khác.
Chưa dừng lại ở đó, cuộc chiến Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây được đánh giá là “căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh” và sẽ định hình cục diện quốc tế trong tương lai.
Nổi bật nhất, Trung Quốc đã có cơ hội xích lại gần Nga sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nga cũng nhiều lần bày tỏ ủng hộ Bắc Kinh trong những vấn đề đối lập với phương Tây như tình hình tại Đài Loan, Hồng Kông... Trong tương lai, cuộc chiến Ukraine sẽ khoét sâu tính phân cực, cản trở quá trình toàn cầu hóa vào thời điểm xu hướng này phát triển nhất.
Cho đến nay, các nước phương Tây đã thể hiện sự thống nhất mạnh mẽ đứng về phía Ukraine bằng cách viện trợ vũ khí, tiền bạc, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, cam kết này cũng sẽ có thời hạn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang khoét sâu tình hình chính trị - xã hội của các nước.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang đến gần cũng là một cảnh báo cho cam kết sát cánh của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine. Kiev chưa bao giờ là một vấn đề giúp các ứng cử viên Tổng thống Mỹ giành chiến thắng trước hàng triệu cử tri đất nước.
Còn ở các nước phương Tây, nhiều người dân đã kêu gọi chính phủ đứng ra đàm phán hòa bình, không chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine.
Đơn cử, một bản kiến nghị đã kêu gọi Chính phủ Đức không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine và thúc giục Thủ tướng Scholz xây dựng liên minh mạnh mẽ để đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình. Hơn nửa triệu người dân đã ký vào bản kiến nghị nêu trên.
Điều này đặt ra câu hỏi, phương Tây sẽ sát cánh bên cạnh Ukraine cho đến khi nào? Và trước khi liên minh này chấm dứt, liệu họ có thể kêu gọi một cuộc đàm phán hòa bình nhằm thay đổi cục diện hay không?
Bên cạnh những câu hỏi chưa có lời giải đáp từ phương Tây, cộng đồng quốc tế lo ngại trong tương lai, cuộc xung đột có thể lan rộng ra bên ngoài biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến tiếp diễn, ý tưởng này ngày càng trở nên khó khả thi bởi vấn đề leo thang vào châu Âu không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Do đó, cuộc chiến đã được thiết lập những ranh giới rõ ràng, trong đó sẽ không vượt quá biên giới Ukriane.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kết thúc của cuộc chiến này là không thể đoán trước. Thế giới phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc xung đột thay đổi địa chính trị thế giới kéo dài nhiều năm.
Điều mọi người mong mỏi nhất vào tương lai là cuộc chiến sẽ không biến thành một chiến trường của vũ khí hạt nhân. Bởi khi đó, câu chuyện sẽ không còn thuộc về Nga hay Ukraine, mà trở thành một cuộc chiến không biên giới.