Báo GD&TĐ tổ chức cứu trợ HS vùng lũ Nam Trung Bộ

Báo GD&TĐ tổ chức cứu trợ HS vùng lũ Nam Trung Bộ

>>>Lưu học sinh Lào tại Hà Nội ủng hộ nhân dân và HS vùng lũ miền Trung

Có 75 học sinh của hai trường học tại huyện miền núi Nam Trà My gồm trường Tiểu học Cà Don, trường tiểu học Cà Dơn (Nam Trà My) được hỗ trợ mỗi em 200.000 đồng và 1 phần quà bằng vở.

 Ngoài ra, trường Tiểu học Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) – nơi bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ giữa tháng 11 – được hỗ trợ 15.000.000 đồng để  khắc phục khó khăn, sớm ổn định công tác dạy – học.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng – trưởng đại diện VPTT Báo GD&TĐ tại Đà Nẵng và thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Dơn trao quà cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng – Trưởng đại diện VPTT Báo GD&TĐ tại Đà Nẵng và thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Dơn trao quà cho học sinh.

Trà My được xem là túi mưa của cả nước, lượng mưa chỉ sau Bạch Mã. Gần 50km đường núi từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên đến xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) càng đi càng mù mịt. Tịnh không một bóng người, chỉ toàn núi và núi, những vòng “eo” thon nhọn quanh co khúc khuỷu của con đường quanh triền núi khiến chiếc xe của Đoàn cứu trợ lắc lư, đảo qua đảo lại liên hồi, hành trình đến xã vùng sâu này vô cùng gian nan.

Trao quà cho HS dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Vừ A Dính
Trao quà cho HS dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn Trường Tiểu học Vừ A Dính

Những học sinh được nhận quà hỗ trợ và phụ huynh đến trường từ rất sớm. Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng – Trưởng đại diện VPTT Báo GD&TĐ tại Đà Nẵng đã trực tiếp thăm hỏi động viên thầy cô giáo trong trường và trao quà cho HS.

Em Hồ Thị Dương – dân tộc Ca Dong, học sinh lớp 5 – đã đại diện cho 35 HS nhận quà hỗ trợ nói: “Chúng em rất xúc động và cám ơn các cô chú trong đoàn đã không quản ngại đường sá xa xôi đến với học sinh miền núi chúng em. Em và các bạn sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để không phụ lòng của thầy cô giáo và những nhà hảo tâm”.

Chị Hồ Thị Bê, phụ huynh của em Hồ Văn Thảo (HS lớp 1) cũng theo con đến trường từ một giờ chiều để nhận quà hỗ trợ. Rất chân thành, chị Bê thổ lộ: “Miềng sẽ dùng 200.000 này để mua áo ấm, dép và áo mưa cho con đi học. Dép của thằng Thảo bị gãy mũi từ lâu rồi nhưng miềng không kiếm mô ra tiền để mua cho con cả, cứ phải đi đôi dép thừa chân đi học, tội lắm”. Ba của Thảo mất sớm, chị gái của Thảo học hết lớp 7 thì phải nghỉ học ở nhà đi rẫy phụ mẹ. Cuộc sống của ba mẹ con Thảo chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên rất khó khăn.

Phụ huynh học sinh giúp mang quà tặng cho trường Tiểu học Vừ A Dính.
Phụ huynh học sinh giúp mang quà tặng cho trường Tiểu học Vừ A Dính.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở nóc Tắc Lang cùng cháu nội của mình đi bộ gần một tiếng đồng hồ để đến cơ sở chính của trường tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don) để nhận quà. Dù trời mưa rả rích suốt cả buổi sáng nhưng hai ông cháu ông Tùng chỉ có một mảnh áo mưa bé tẹo, vừa đủ để không khỏi ướt áo. Vì đường từ các thôn nóc đến cơ sở chính của trường Tiểu học Vừ A Dính rất xa, nên hầu như em nào cũng lấm lem bùn đất.

Niềm vui của HS khi nhận quà.
Niềm vui của HS khi nhận quà.

Ông Trần Hùng Thi, bố của em Trần Thị Liên, HS lớp 2, cho biết: “Vợ chồng bố làm rẫy làm ruộng chỉ vừa đủ cho con cháu đi học. Đứa nào nhác đi học thì bị bố đánh. Làm rẫy giờ khó khăn lắm vì heo rừng và khỉ phá hết, nhưng con cái thì phải đi học để còn phục vụ cho bản thân".

Thầy Phạm Ngọc Hùng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My cho biết, đây chưa phải là những trường khó khăn nhất dù 10/10 xã của huyện đều ở nằm trong diện “đặc biệt khó khăn”.

Trưởng phòng GD-ĐT Bình Sơn đang thuyết minh về đợt lũ ống làm xói lở toàn bộ khuôn viên Trường Tiểu học Bình Đông.
Trưởng phòng GD-ĐT Bình Sơn đang thuyết minh về đợt lũ ống làm xói lở toàn bộ khuôn viên Trường Tiểu học Bình Đông.

Trong cơn lũ dữ vào giữa tháng 11, cơ sở 2 thôn Sơn Trà với 5 phòng học của nhà trường đã bị đánh sập toàn bộ tường rào cổng ngõ, sân chơi bị xói lở vào đến tận hành lang lớp học. Để nhanh chóng ổn định tình hình dạy học, trong 3 ngày từ 15 đến 17.11, nhà trường phải che bạt, dựng lều học tạm. Sau đó, 6 lớp học của các khối lớp 1-2-3 phải học tạm ở cơ sở cũ của trường THCS Bình Đông. Cơ sở này cũng nằm trong vùng ngập lụt nên trường THCS Bình Đông đã thanh lý và chuyển đi nơi khác. Bốn lớp học còn lại của các khối lớp 4 và 5, nhà trường phải dùng các phòng chức năng của cơ sở chính để dạy học.

Ông Nguyễn Nhị - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện công tác dạy học đã cơ bản được ổn định. Tuy HS các lớp 4, 5 đi học có xa hơn trước đây nhưng cũng chỉ cách nhà chưa đến 1,5km. Riêng thiết bị, đồ dùng dạy học của các khối lớp 1, 2, 3 thì giáo viên phải mang đi mang về vì hệ thống cửa của cơ sở trường THCS không đảm bảo”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng trao số tiền hỗ trợ của lưu học sinh Lào cho Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi)
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng trao số tiền hỗ trợ của lưu học sinh Lào tại Hà Nội cho Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Về lâu dài, UBND huyện và phòng GD&ĐT Bình Sơn sẽ tìm một địa điểm khác để xây dựng mới trường học thay vì sửa chữa tại địa điểm cũ vì chỉ tính riêng chi phí thuê máy hút bùn từ sông bơm vào để làm sân trường đã lên đến gần 500.000 triệu đồng. BGH trường Tiểu học Bình Đông rất xúc động trước sự sẻ chia kịp thời của lưu học sinh Lào tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Nhị, với số tiền 15.000.000 đồng này, nhà trường sẽ dùng để mua sắm thêm sách, thiết bị, bù vào số đã bị hư hỏng do bị ngâm trong nước, sửa lại hệ thống điện để đủ ánh sáng phục vụ việc dạy - học.

                                                          P.V

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ