Báo động tình trạng sinh viên tự chẩn - chữa bệnh

Báo động tình trạng sinh viên tự chẩn - chữa bệnh

Tự chế mỹ phẩm từ thuốc

Rất nhiều nữ sinh viên đang truyền nhau “bí quyết” pha chế mỹ phẩm với những thành phần vừa rẻ tiền, lại dễ kiếm. Xung quanh những mỹ phẩm “cây nhà lá vườn” như thế này đã có không ít câu chuyện dở khóc, dở cười.

Thấy da mặt cô bạn thân dạo này trắng trẻo, mịn màng hơn so với mấy tuần trước, Nguyễn Phương Thảo (ĐHKHXH&NV) bèn tò mò hỏi thăm loại mỹ phẩm bạn mình đang sử dụng. Cứ nghĩ rằng loại mỹ phẩm đó là hàng nhập ngoại, lại đắt tiền, nhưng Thảo hết sức bất ngờ khi nghe bạn nói “chỉ với 30.000 thôi, trong 1 tháng, là hiệu quả ngay lập tức”. Hì hụi chép công thức làm mỹ phẩm, Thảo ra ngay hiệu thuốc mua đúng theo chỉ dẫn của bạn. Thành phần gồm vitamin E, vitamin B1, mật ong, sữa chua, trứng gà trộn đều với nhau, cho vào lọ kín để dùng dần. Dùng được một thời gian, Thảo có thấy da sáng lên một chút, háo hức, cô kiên trì dùng trong một tuần thì thấy mặt mình nổi mẩn, ngứa ran, mặt cũng bắt đầu sưng vù lên. Cô lập tức đến khám ở Viện da liễu thì được bác sĩ cho biết: trong thành phần của mỹ phẩm tự chế có sữa chua lên men, để lâu, lại không được bảo quản tốt nên sinh ra dị ứng.

Hậu quả của việc dùng mỹ phẩm tự chế là khuôn mặt sưng vù trong một thời gian dài. Hàng ngày cô phải đến  Viện da liễu khám, mua thuốc về điều trị. Khỏi dị ứng, mặt cô bỗng trở nên sần sùi, không còn vẻ mịn màng như trước. Phương Thảo than: “tiền mất, tật mang,  mấy loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thế này mình sợ lắm”

Mấy cô bạn trong phòng Thảo nghe lời quảng cáo của bạn cũng dùng thử, nhẹ thì mặt chỉ lấm tấm mụn, da vàng vọt, nặng hơn thì vào viện điều trị. Nhưng hỏi bất cứ ai, cũng đều lắc đầu vì không biết rõ nguồn gốc công thức loại mỹ phẩm này ở đâu ra. Chỉ biết rằng: “bạn mình bảo dùng, thấy nó dùng cũng có tác dụng lắm. Ai ngờ, đến lượt mình lại không hợp”.

Báo động tình trạng sinh viên tự chẩn - chữa bệnh ảnh 1

Tay Vân Anh bị dị ứng nặng khi dùng mỹ phẩm tự chế

Cũng giống như Thảo, Trần Vân Anh (ĐH Công Đoàn) luôn mặc cảm với làn da đen của mình. Cô dùng đủ mọi biện pháp chống nắng, bôi kem dưỡng da nhưng tình hình đều không khả quan hơn trước. Một lần, nghe cô bạn mách có loại kem lột trắng da tự chế, rất rẻ, nên dùng thử, Vân Anh cũng mua về dùng. Cô ra hiệu thuốc hỏi mua Aspirin (giảm đau, hạ sốt, có tính năng làm mài mòn lớp tế bào sừng), corticoid (chống viêm mạnh, chống dị ứng), vitamin E, vaselin thành một hỗn hợp. Theo như hướng dẫn sử dụng của cô bạn, Vân Anh cân thận bôi kem lên vùng da tay, bôi một lớp kem sai hai tiếng lau sạch và bôi thêm lớp nữa để qua đêmChỉ sau hai tiếng dùng thử, Vân Anh thấy da bỏng rát, ngứa, đỏ, cô vội lột sạch lớp kem vừa bôi thì bị bong tróc da tay, rất rát. Hoảng sợ, Vân Anh dừng ngay bôi kem, mang ra hiệu và được dược sĩ Minh Tiến giải thích: “ trong thành phần mỹ phẩm của cô có chất corticoid, là chất có tác dụng kháng viêm dùng chữa bệnh thấp khớp và một vài bệnh nhiễm trùng . Nếu thường xuyên bôi trên da với hàm lượng cao, lâu ngày vùng da đó sẽ lão hóa, y học gọi là “hội chứng già trước tuổi”, chưa kể corticoide còn làm giảm sức đề kháng của da, dẫn đến viêm nang chân lông, hoặc viêm da tiếp xúc”.

Hiện nay, trong những khu chợ đêm sinh viên có bán rất nhiều loại mỹ phẩm tự chế không rõ xuất xứ, nguồn gốc như thế này. Chỉ với vài chục nghìn, là có thể mua về sử dụng lâu dài. Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các sinh viên nữ đang  đùa với nhan sắc, coi thường sức khỏe và tính mạng của mình. Chất lượng của những loại “thần dược” giá rẻ này chưa có cơ quan nào kiểm nghiệm, nhưng hậu quả của nó đã khiến nhiều nữ sinh viên phải nhờ đến bác sĩ để chữa lành những tổn thuơng do chính mỹ phẩm này gây ra

Tự kê đơn cho nhau

Dịch sốt xuất huyết (SXH) lây lan nhanh trong KTX Mễ Trì trong năm 2008. Nhiều phòng, có đến 5, 7 sinh viên cùng bị  SXH. Phòng 309 nhà C1 có tới tận 5 sinh viên phải vào nằm viện. Vì sức khỏe tốt, nên Thùy Dung vẫn chưa bị mắc bệnh. Cô hăng hái vào thăm nom, chăm sóc bạn bè trong viện. Cho đến một hôm, Dung thấy mệt mỏi, hơi sốt phải nằm ở nhà. Nghĩ chỉ là bị cảm thông thường, nên Dung nhờ bạn ra mua thuốc Paracetamol (thuốc hạ sốt) về uống, cùng với mấy gói Orezon. Tự uống thuốc và điều trị được hai ngày, Dung không thấy bệnh tình thuyên giảm, lúc sốt cao đến 39 độ, lúc cơ thể lại bình thường. Đến khi thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở, Dung mới nhờ bạn đưa vào bệnh viện Xây Dựng để khám thì được biết mình bị mắc SXH. Chính sự chủ quan này đã dẫn đến tình trạng ủ bệnh khá lâu. Sức khỏe lại yếu nên Dung đã phải truyền thêm tiểu cầu vào cơ thể, và phải chuyển lên bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu và điều trị

Nguyễn Thị Lan (ĐH Thương Mại) bỗng thấy mấy ngày gần đây da mặt mình bị nổi ngứa, vết ngứa tụ lại thành từng mảng, và ngày càng nhiều thêm, lây lan ra khắp mặt. Cô lo lắng hỏi bạn bè cùng phòng thì mọi người đều khẳng định Lan đang bị dị ứng nặng. Cần mua thuốc về uống mới khỏi được. Nghe lời bạn, lại thấy triệu chứng bệnh cũng giống như mấy lần mình bị dị ứng ở nhà nên nhờ cô bạn cùng phòng ra mua liều thuốc chữa dị ứng. Uống ba liều, không thấy khỏi, bệnh càng nặng thêm khiến mặt sưng húp, phù nề. Vội vàng đến  Viện da liễu khám, Lan mới vỡ lẽ mình bị nổi mề đay. Bệnh của cô càng nặng hơn là do trong thuốc dị ứng có thuốc phản ứng với bệnh thận bẩm sinh của Lan. Do chủ quan, mà lan phải điều trị một thời gian, và tốn kém thêm hàng triệu tiền thuốc.

Biết bụng dạ mình không được tốt, ăn các món lạ là đau bụng rất dài ngày nên khi được bạn bè mời tới ăn sinh nhật, Nguyễn Thu Phương (ĐH KH TN) bèn trấn an dạ dày của mình bằng vài viên aspirin trước bữa ăn. Cẩn thận không thừa, vì trong bữa ăn có nhiều món cá lạ mà cô chưa từng ăn bao giờ. Tuy nhiên, bữa sinh nhật chỉ mới bắt đầu có vài phút mà Phương thấy đau bụng dữ dội, bị nôn ra máu. Bạn bè hoảng loạn liền gọi xe cấp cứu đưa Phương vào viện. Sau thời gian sơ cứu, Phương mới biết mình bị xuất huyết dạ dày. Đây là hậu quả của thói quen uống aspirin khi dạ dày trống, không có thức ăn. Trên toa thuốc Phương mua có đầy đủ hướng dẫn về cách dùng, nhưng do chủ quan, không biết bệnh nên Phương tự ý chữa trị theo cách của mình

Cùng phòng với Phương có Nguyễn Thanh Mai (ĐHKHTN), gần đây, cô hay bị ngứa mắt, kèm theo cảm giác nóng, sưng và khô rát ở gần khóe mắt. Thay vì đi khám bác sĩ vì sợ tốn kém, Mai lên mạng vào tra các dạng bệnh lý và được biết mình bị viêm kết mạc. Mai mua thuốc đúng đơn như trên mạng chỉ dẫn (gồm có: Amoxilin, Paracetamol và thuốc nhỏ mắt). Nhưng uống đến liều thứ 4, mà bệnh vẫn không đỡ, lại thấy nóng họng, nổi mụn nước, rát khắp người. Sau khi đến viện khám Mai được chẩn đoán là dị ứng thuốc, cô bị phản ứng với thuốc Amoxilin

Việc tự ý chẩn đoán bệnh, tự ý mua thuốc uống là thói quen thường xuyên của sinh viên khi thấy triệu chứng bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích (bệnh viện Xây Dựng) cho biết: “tôi làm ở đây nhiều năm, đã thấy không ít trường hợp các cháu sinh viên phải vào nhập viện do không hiểu biết về thuốc, tự ý mua dùng. Chủ yếu là các bệnh dị ứng thuốc do không lường hết được phản ứng phụ với thuốc ở cơ thể của từng người. Thuốc men là con dao hai lưỡi, biết sử dụng đúng cách thì phát huy tác dụng, ngược lại, sẽ gây nguy hiểm, nhiều khi còn dẫn đến tình trạng tử vong”

Cũng như theo lời khuyên của bác sĩ: “Cần phải cẩn trọng và nên chấm dứt thói quen tự ý uống thuốc không cần khám và chỉ định của bác sĩ.Hoặc ít nhất nếu không có khả năng đến khám bệnh ở bệnh viện, phòng khám, thì các cháu sinh viên nên đến trạm y tế trường, hoặc ra các nhà thuốc trình bày hiện tượng bệnh với các dược sĩ. Như thế sẽ hạn chế tình trạng uống thuốc không đúng bệnh hoặc phản ứng với thuốc. Không nên coi thường những bệnh nhẹ, vì nhiều khi chúng dẫn đến hậu họa khó lường”

Chính tâm lí coi thường bệnh tật, chủ quan cho rằng đó là các bệnh thông thường, lại sợ tốn kém khi đi khám bệnh, nên nhiều sinh viên đã mắc bệnh nặng hơn do tự mua thuốc về dùng. Thậm chí sau khi đi khám, bệnh nặng hơn, phải điều trị rất tốn kém. Do đó, mỗi sinh viên cần ý thức đầy đủ về việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Mà việc làm đầu tiên là đến ngay các cơ sở y tế, hoặc tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn, uống thuốc theo toa được kê dành riêng cho bệnh của mình.

Đinh Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.