Bảo đảm quyền lợi của người lao động dịp cuối năm

GD&TĐ - Lương, thưởng Tết và các chế độ phúc lợi là vấn đề được quan tâm dịp cuối năm bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động.

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người sử dụng lao động cần chăm lo, quan tâm nhiều hơn đến người lao động.
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người sử dụng lao động cần chăm lo, quan tâm nhiều hơn đến người lao động.

Lương, thưởng Tết và các chế độ phúc lợi là vấn đề được quan tâm dịp cuối năm bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Nhất là thời điểm này, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn về đơn hàng nên cần có giải pháp, phương án hợp lý để hài hòa lợi ích đôi bên nhằm mục tiêu xây dựng quan hệ lao động ổn định.

Công nhân lo lắng ít việc, giảm thu nhập

Trở về phòng trọ sau ca đêm, anh Trần Nguyên Như (thuê trọ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng anh đều làm công nhân trong khu công nghiệp, phòng trọ chỉ là nơi để vợ chồng nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả.

Trước đây, công ty nơi anh Như làm việc thường xuyên tổ chức tăng ca, một tuần có 4 - 5 ngày được làm thêm, mỗi ngày 4 giờ. Làm thêm nhiều, dù mệt mỏi, nhưng đồng nghĩa thu nhập của anh cao hơn, từ 13 - 14 triệu đồng/tháng.

“Lương cơ bản của tôi hiện nay là gần 6 triệu đồng/tháng; các khoản phụ cấp là 1 triệu đồng. Như vậy, phần lớn thu nhập đến từ làm thêm”, anh Như nói. Chính vì vậy, anh Như rất mong được làm thêm đều. Dù vất vả, ít có thời gian nghỉ ngơi, nhưng anh có thêm thu nhập để cuộc sống gia đình đỡ vất vả, thiếu thốn hơn.

Gần 1 năm nay, công ty nơi anh Như làm công nhân rơi vào cảnh ít việc. Anh ít được đi làm thêm so với trước. Thu nhập vì vậy giảm xuống còn 10 - 11 triệu đồng/tháng. “Tôi còn may vì tổ sản xuất nơi tôi làm còn có việc ổn định; nhiều tổ khác còn ít việc hơn, thu nhập còn giảm hơn”, anh Như nói.

Sau nhiều năm gắn bó với công ty hiện tại, chị Nghiêm Thị Linh (huyện Na Hang, Tuyên Quang) buồn bã chia sẻ, không riêng chị mà nhiều lao động làm cùng công ty đều thất thần khi hay tin bị giảm giờ làm.

“Gần một năm nay, do không tăng ca nên thu nhập của tôi không còn như trước. Dù vậy, với thu nhập ổn định khoảng 8 triệu đồng/tháng, tôi cũng có chi phí để trả tiền trọ, thuốc thang cho chồng thường đau bệnh và gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ già. Nay giờ làm bị giảm, đồng nghĩa giảm lương đột ngột, nguồn thu nhập chính của gia đình bị ảnh hưởng, không biết sắp tới phải sống ra sao”, chị Linh lo lắng.

Năm nay, dự báo tình hình quan hệ lao động sẽ có những biến động căng thẳng, phức tạp hơn do hệ lụy của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực chi phí sản xuất do giá xăng dầu tăng giá, thiếu đơn hàng do tình hình châu Âu bất ổn, lo lương tháng thứ 13, thưởng Tết.

Cộng thêm đó là việc tăng lương tối thiểu vùng. Tất cả những lý do nêu trên khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn thật sự, buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên, đóng dây chuyền, thậm chí chấm dứt hợp đồng với hàng nghìn công nhân, lao động cùng một lúc.

Nỗ lực bảo đảm cuộc sống người lao động

Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách nhân sự tại Công ty TNHH Phong Phú, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trong lĩnh vực da giày cho biết, công ty hiện tại đã lo đủ việc làm, trước và sau Tết đến hết quý I.

Các thị trường khai thác cho quý II đang chào hàng và đưa hàng về công ty. Bên cạnh đảm bảo việc làm cho người lao động, công ty cũng luôn đảm bảo tất cả chính sách cho người lao động tốt nhất.

“Trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty đã cố gắng tìm đầu ra cho mình, phát triển nội địa và xuất khẩu để đảm bảo sản xuất, đảm bảo lương thưởng, cuộc sống cán bộ nhân viên. Đối với công ty xác định con người là nhân tố quyết định trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, chúng tôi cũng đang xây dựng chế độ thưởng Tết, cố gắng làm sao đảm bảo quyền lợi cho cán bộ nhân viên”, ông Đức chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm thì trong thời kỳ kinh tế khó khăn, muốn giữ chân người lao động người sử dụng lao động cần chăm lo quan tâm đến người lao động nhiều hơn.

Ví dụ những buổi ăn ca cần được theo dõi chất lượng và điều chỉnh giá trị suất ăn theo sự biến động của giá lương thực và thực phẩm; tiền xăng cần được trợ cấp một phần hay toàn phần đối với người lao động tự túc phương tiện đi làm; với những doanh nghiệp có điều kiện thì chăm lo đến nơi ở trọ và các điều kiện sinh hoạt khác của người lao động.

Cùng với đó, phía công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, cần nhận thức được tầm quan trọng trong vai trò truyền tải nguyện vọng của người lao động. Còn các tổ chức công đoàn trên cơ sở, ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng cần nhắc nhở người sử dụng lao động chấp hành tốt việc nộp các khoản bảo hiểm và kinh phí cho người lao động, quan tâm đến đời sống người lao động…

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra nhiều phương án, nhất là tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm ổn định tình hình, việc làm đời sống cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng cho đại bộ phận công nhân, lao động, sẻ chia kịp thời khó khăn cho những người bị mất việc làm.

Các sở LĐ-TB&XH cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, tổ chức công đoàn cùng đoàn thể khác theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; rà soát đơn đặt hàng, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.

Tin đăng nhan vien kho tại Vieclam24hKhám phá cv xin việc chất lượng