Băng dán tế bào gốc từ nhung hươu: “Phù thủy” cho những vết thương

GD&TĐ - Tế bào gốc từ nhung hươu có tác dụng làm vết thương nhanh lành, thấm hút tốt, giảm lão hóa. Có thể ứng dụng nó để điều trị các vết thương như bỏng, tai nạn, vết thương khó hồi phục do liệt…

Sản phẩm được chiết xuất từ nhung hươu.
Sản phẩm được chiết xuất từ nhung hươu.

Tăng giá trị cho nhung hươu

Dự án “Hoàn thiện quy trình tạo vật liệu nanocellulose kết hợp với chiết xuất nhung hươu định hướng ứng dụng trong quá trình làm lành vết thương” do Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTPLabs) kết hợp với Công ty TNHH Thế Giới Gen thực hiện.

Dự án nhằm tạo thêm các dạng băng vết thương thế hệ mới, khắc phục được những nhược điểm của băng thông thường.

Ước tính mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 20.000 - 25.000 người bị bỏng nước, bỏng lửa, bỏng hóa chất hoặc phải đối mặt với các vết thương hở khó lành. Bên cạnh đó, hầu hết người bệnh phải can thiệp ngoại khoa cần được chăm sóc, điều trị vết thương tích cực để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Việc điều trị vết thương, điều trị bỏng đang gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng nhiễm trùng, hoại tử.

Người bệnh bị thương tích nặng thường đối mặt với nguy cơ tử vong cao vì nhiễm trùng vết thương hoặc kéo dài thời gian điều trị, gây biến chứng, để lại di chứng, phát sinh thêm chi phí chữa trị, ảnh hưởng đến chất lượng sống, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

GS Trương Đình Kiệt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, TPHCM cho biết, nhung hươu có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể được xếp vào 4 loại thượng dược có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ.

Từ những năm cuối của thế kỷ trước, chúng tôi đã có nhiều nghiên cứu về các tính năng của nhung hươu qua đó ghi nhận trong nhung hươu có chứa nhiều yếu tố sinh trưởng giúp kích thích sự phát triển của nguyên bào ở da và rất cần thiết cho quá trình lành vết thương cũng như tái tạo da.

Về nguồn nguyên liệu nhung hươu, từ năm 2007, nhóm các nhà khoa học của bộ môn Sinh lý học và Công nghệ sinh học động vật, Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy tế bào mô từ nhung hươu.

Sau gần 2 năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thu nhận và biệt hóa được các tế bào giống tế bào gốc nhung hươu sao từ các mẫu mô gốc nói trên.

Theo TS Lê Thanh Hưng, Phó Trưởng bộ môn Sinh lý học và Công nghệ sinh học động vật, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, sự phát triển của nhung hươu sao có thể xem là trường hợp tái sinh duy nhất ở động vật hữu nhũ.

Bởi nó có khả năng tái sinh lại các phần bị mất và điều này xảy ra rất hạn chế ở các loài. Quá trình nuôi cấy sau 48 giờ, các tế bào nhung hươu đã bám dính nhiều vào bề mặt nuôi cấy.

Ở một số loài hươu, tốc độ tái tạo nhung có thể đạt được 2 mm/ngày. Đây được xem là một loại dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Tuy vậy, đây không phải nguồn dược liệu vô tận nên cần có nghiên cứu để phát triển thêm.

Dùng cho nhiều loại vết thương, xóa sẹp lồi

Ông Vũ Duy Quang – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thế giới Gen, thành viên nhóm nghiên cứu dự án, cho biết, sản phẩm băng dán vết thương dạng gel được tạo ra dựa trên kết các kết quả nghiên cứu sản xuất thử nghiệm việc tách chiết xuất tế bào gốc nhung hươu và chế tạo màng nanocellulose.

Sản phẩm với tên gọi BC-A có hoạt chất chính là dịch chiết tế bào gốc nhung hươu. Các hoạt chất phụ trợ như nanocellulose, chitosan và tá dược phối chế gồm glycerin, acid glycolic…

Các tá dược sau khi pha lỏng, được lọc vô trùng và bổ sung chitosan, nanocellulose, dịch chiết tế bào gốc nhung hươu, rồi đóng gói sản phẩm, bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8 độ C. BC–A được dùng để điều trị liền vết thương, vết bỏng, đặc biệt là các vết thương mạn tính.

Do nhung hươu có tác dụng đẩy mạnh phục hồi vết thương, giảm lão hóa, có nhiều hợp chất hữu cơ, axit amin, nhân tố tăng trưởng, chữa được nhiều bệnh... nên đã được các nhà khoa học kết hợp để tạo ra sản phẩm này.

Theo ông Quang, nguyên tắc để điều trị các vết thương mạn tính là phải điều trị được tình trạng viêm và nhiễm trùng tại chỗ, xung quanh vết thương. Loại bỏ các tổ chức hoại tử, yếu tố ngoại lai, làm sạch vết loét. Duy trì môi trường ẩm tại vết loét; chăm sóc được bờ vết loét.

Tuy nhiên, với những loại băng dán vết thương thông thường hiện nay như băng phủ ngoài, băng thấm hút, bán thấm… rất khó và thường không xử lý được triệt để những nguyên tắc trên.

Thử nghiệm lâm sàng cho thấy, băng BC–A dạng gel dễ dàng sử dụng cho bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thích hợp cho mọi loại vết thương, cung cấp được dưỡng ẩm, dưỡng chất cho vết thương, giúp vết thương nhanh lành. Đặc biệt, BC–A thích hợp trong điều trị các vết thương mạn tính và xóa bỏ được vết sẹo lồi.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, chia sẻ, dự án này đánh dấu thành công của mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây cũng là mô hình mẫu có thể nhân rộng để minh chứng cho thấy việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại SHTP nói riêng là rất cần thiết.

“Thông qua mô hình này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, mà còn thực hiện được mục tiêu các nghiên cứu của SHTPLabs phải thương mại hóa được” – ông Quốc nhấn mạnh.

Băng gel chứa tế bào gốc nhung hươu được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả trong điều trị cho người bệnh trong nước, từng bước phổ biến ra các nước trong khu vực và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.