Bài thuốc đơn giản chặn đứng "những cơn ho rũ rượi"

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm “đánh bật” các vi sinh vật, khói bụi, dị vật… ra khỏi đường hô hấp. Ho rũ rượi cũng là một triệu chứng biểu hiện khi niêm mạc đường hô hấp bị viêm do các nguyên nhân khác nhau. Ho kéo dài gây khó chịu cho người bệnh và làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng trên?

Bài thuốc đơn giản chặn đứng "những cơn ho rũ rượi"
Bai thuoc don gian chan dung

Các chuyên gia khuyên: Nên giữ ấm cơ thể để hạn chế mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp trong mùa lạnh. Ảnh minh họa

Ho nhiều do thay đổi thời tiết

Theo các bác sĩ, có nhiều loại ho khác nhau. Thông thường, khi đường hô hấp bị tác động gây viêm thì người bệnh thể hiện ho khan, tức là ho chưa có sự xuất tiết nên không có đờm. Ho khan hay gặp trong các trường hợp viêm hô hấp cấp như viêm họng, viêm phế quản giai đoạn đầu.

Sau đó, khi niêm mạc phế quản, niêm mạc họng bị sưng nề, triệu chứng ho cũng khác đi và có sự xuất tiết của niêm mạc đường hô hấp nên dẫn đến ho có đờm. Đây là triệu chứng gặp nhiều trong các trường hợp viêm họng, phế quản đã bước sang giai đoạn toàn phát. Đờm có thể ở dạng lỏng, đặc quánh hoặc đờm có lẫn máu tươi. Ho có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Ho cấp tính thường kéo dài một vài tuần, nhưng ho mạn tính có khi kéo dài nhiều tuần, thậm chí hàng tháng.

Hiện tại, thời tiết chuyển mùa nóng lạnh thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp tăng cao, trong đó có các cơn ho do dị ứng thời tiết như ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh... Đặc biệt, những người có cơ địa nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai) dễ bị kích thích hoặc sức đề kháng suy giảm càng dễ bị mắc các chứng ho nói trên.

Theo Đông y, ho do cảm lạnh là ho do phế hàn, thuộc chứng hàn, đàm hàn, triệu chứng chính thường gặp là ho nhiều đờm, đờm loãng, có màu trắng dễ khạc, ít đặc dính. Khi ho, mặt bệnh nhân thường hơi phù nề, sợ gió, vã mồ hôi, ngực đau, đầy trướng, người mệt mỏi, chân tay lạnh. Bệnh do nội thương thường gặp ở người già yếu dương khí suy kém, hoặc tỳ vị dương hư không vận hóa được, thủy thấp ứ lại thành đàm, hàn đàm ứ hàn ở phế gây ho, thường ho nhiều ban đêm, ban ngày nhẹ hơn, trời ấm thì đỡ, trời lạnh lại phát.

Bài thuốc đơn giản đẩy lùi cơn ho

Bàn về các phương pháp chữa ho đơn giản không dùng thuốc, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Những thực phẩm xung quanh chúng ta như củ cải trắng, tía tô, cam, quất, mật ong, lá hẹ… đều là những vị thuốc trong việc điều trị ho tại nhà. Chẳng hạn, theo lương y Vũ Quốc Trung, củ gừng được coi như một vị thuốc rẻ tiền và hữu hiệu trong chữa trị các triệu chứng ho thông thường do thời tiết.

Do đó, nếu ho do nhiễm lạnh, có thể dùng nước sắc gừng với vỏ cam và một ít vỏ quế để uống. Còn ho dai dẳng lâu ngày dùng nước sắc gừng pha với mật ong uống trong vài ngày, các cơn ho sẽ thuyên giảm rõ rệt. Ngoài ra, theo lương y Vũ Quốc Trung, khi thời tiết chuyển mùa, nên có trong nhà một lọ gừng ngâm mật ong để ngậm ngay khi bắt đầu xuất hiện các cơn ho, vừa làm ấm cơ thể, vừa giúp cắt cơn ho nhanh hơn.

Bên cạnh đó, lương y Vũ Quốc Trung cho biết, củ cải cũng có tác dụng tuyệt vời trong trị chứng ho do thời tiết. Theo đó, củ cải thái thành miếng nhỏ cho vào ấm sắc cùng gừng tươi, vỏ quýt khô để lấy nước uống. Duy trì ngày uống 2 lần, đến khi cơn ho giảm dần và dứt hẳn thì ngừng lại.

Ngoài ra, ông Trung cho biết, lá tía tô cũng là vị thuốc chữa ho hữu hiệu. Trong trường hợp ho nhẹ, có thể dùng phương pháp đơn giản nhất là thái nhỏ lá tía tô cho vào cháo nóng để ăn vừa có tác dụng giải cảm, vừa giúp giảm các cơn ho. Hoặc hạt tía tô đem sao qua, tán thành bột mịn rồi cho vào ngâm rượu. Sau 10 ngày đem chắt nước dùng dần mỗi ngày.

Riêng đối với trẻ nhỏ, khi thấy bé có các triệu chứng ho nhẹ, phụ huynh có thể áp dụng các bài thuốc trị ho tại nhà như: Quất hồng bì ngâm đường phèn. Cách này áp dụng được cho cả trẻ dưới 1 tuổi. Theo nghiên cứu, trong quất hồng bì có chứa tinh dầu giúp kích thích hệ hô hấp giúp “tống” đờm ra ngoài. Ngoài ra, vitamin C trong quất hồng bì còn giúp trẻ tăng sức đề kháng và chống cảm cúm. Mỗi ngày cho trẻ dùng một thìa quất hồng bì ngâm đường phèn không những có tác dụng chữa ho cho trẻ em, mà còn rất có lợi nhiều mặt cho sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh đó, theo lương y Vũ Quốc Trung, lá hẹ hấp đường phèn cũng là phương pháp được nhiều người tin dùng trong việc trị ho cho trẻ nhỏ. Ngoài tác dụng chữa ho cho trẻ em, hẹ còn có công dụng trị cảm ho, sốt sổ mũi, hẹ rất lành tính. Hẹ tươi rửa sạch cho vào hấp cách thủy với đường phèn. Sau đó, để nguội và bón cho bé uống mỗi ngày 2 lần. Với phụ nữ đang mang thai bị ho do thay đổi thời tiết, có thể ngậm các loại ô mai, nhất là các loại có vị chua. Theo Đông y, ô mai có tác dụng sinh tân, tăng tiết nước bọt nên chống khô họng, làm dịu niêm mạc họng, giảm ho hiệu quả.

Phòng tránh ho trong mùa lạnh

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh gặp các vấn đề về đường hô hấp trong mùa lạnh, việc trước tiên là hạn chế để cơ thể bị lạnh đột ngột, nên mặc ấm và mang khẩu trang khi ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên dùng khăn và nước muối sinh lý ấm để rửa mũi và vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày để không bị nhiễm trùng. Quàng khăn mỏng ở cổ cho trẻ, giữ ấm cơ thể khi ra bên ngoài để trẻ không bị nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất để cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại các virus gây bệnh.

Trong các trường hợp ho nhẹ, có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian trị ho tại nhà. Tuy nhiên, đối với các trường hợp ho nặng, ho do bệnh lý, cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ kiểm tra và có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ