Bài học về “vị khách không mời”

GD&TĐ - Lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga đứng đầu trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã hoàn tất nhiệm vụ ở Kazakhstan và rời nước này vào ngày 13/1.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là câu trả lời cho những nghi vấn mà phương Tây đưa ra về vai trò của Nga trong cuộc bạo loạn tại quốc gia Trung Á.

Theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, CSTO đã cử 2.000 quân đến Kazakhstan để dẹp tan bất ổn ở nước này đúng vào lúc cao điểm khủng hoảng tuần trước. Giờ đây, Tổng thống Tokayev cho biết, lực lượng này đã hoàn thành nhiệm vụ và sẽ rút đi trong vòng 10 ngày.

Kazakhstan và Nga cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan là một âm mưu đảo chính có sự hỗ trợ của khủng bố nước ngoài, song phương Tây nói có ít bằng chứng cho tuyên bố đó.

Các cuộc bạo động ở Kazakhstan phát sinh sau làn sóng phản đối giá nhiên liệu tăng tại quốc gia này. Cuộc phản đối ban đầu diễn ra hòa bình, nhưng sau đó xung đột bùng nổ làm chết cả cảnh sát và dân thường.

Các quan chức cho biết có 26 tội phạm có vũ trang đã bị tiêu diệt, 16 sĩ quan an ninh bị giết. Lực lượng an ninh Kazakhstan đã bắt giữ gần 10 nghìn người liên quan đến bạo loạn.

Việc Nga triển khai quân CSTO đến Kazakhstan đã khiến Mỹ đặt câu hỏi nghi ngờ cùng những phỏng đoán rằng, Nga thúc đẩy lực lượng này nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Kazakhstan.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken còn cho rằng, Kazakhstan sẽ gặp khó khăn để yêu cầu Nga rút quân sau khi dập tắt bạo loạn và lập lại trật tự. “Một khi người Nga đến nhà bạn, đôi khi rất khó để buộc họ rời đi” - ông Blinken nói.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng về vấn đề này. Theo trang RT, bà Zakharova cho rằng, cáo buộc nói Nga đang đóng vai trò “xâm lược” trong bất ổn ở Kazakhstan là vô nghĩa. “Chúng tôi đã từng tấn công hay đe dọa ai chưa?

Chúng tôi luôn ủng hộ hòa bình, đề nghị đàm phán, đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng, phản đối việc quân sự hóa và thường giúp đỡ cả thế giới thoát khỏi những tình huống nghiệm trọng, có rất nhiều ví dụ như vậy” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói.

Bình luận về việc triển khai quân trong khuôn khổ CSTO làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, bà Zakharova cho biết, việc triển khai quân này đã chấm dứt đổ máu ở Kazakhstan. Bà còn nói Mỹ không hiểu tình hình tại quốc gia Trung Á và còn chia sẻ một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói Mỹ nên xem lại thành tích của chính mình.

“Khi người Mỹ ở trong nhà bạn, khó mà sống sót, không bị cướp hoặc bị cưỡng bức” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết - “Điều này chúng ta học được không phải chỉ nhờ quá khứ gần đây, mà nhờ cả 300 năm thành lập nước Mỹ.

Người da đỏ ở lục địa Bắc Mỹ, người Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Panama, Nam Tư, Lybia, Syria và nhiều người bất hạnh khác không may mắn gặp những vị khách này không mời ở nhà họ sẽ kể lại được câu chuyện này”.

Trong khi đó, trong điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Trung Quốc ủng hộ Nga triển khai quân trong khuôn khổ CSTO nhằm dẹp tan bạo lực ở Kazakhtan.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 11/1 cho biết, ông Vương Nghị nói, Trung Quốc và Nga với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và láng giềng của các nước Trung Á, sẽ không cho phép bất ổn hay chiến tranh nổ ra trong khu vực.

Ông nói, Trung Quốc và Nga cần tăng cường hợp tác chống lại sự can thiệp của lực lượng bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia Trung Á, cùng ngăn chặn “cách mạng màu” và diệt trừ 3 kẻ thù là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ