Bắc Ninh: Ghi nhận 104/105 ca mắc mới Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng

GD&TĐ - Từ 18h ngày 30/10 đến 18h ngày 31/10, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 105 ca mắc mới Covid-19, trong đó 104 ca có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Tính đến 18h ngày 31/10, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 2.171 ca mắc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ 18h ngày 30/10 đến 18h ngày 31/10, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 105 ca mắc mới Covid-19, trong đó, 104 ca có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Tính đến 18h ngày 31/10, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 2.171 ca mắc Covid-19.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 96/126 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1, tương đương với màu xanh (nguy cơ thấp - bình thường mới); 28 xã, phường ở cấp độ 2 tương đương với màu vàng (nguy cơ trung bình). Riêng xã Đông Tiến, huyện Yên Phong ở cấp độ 3, tương đương màu cam (nguy cơ cao); thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ ở cấp độ 4, tương đương với màu đỏ (nguy cơ rất cao).

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. 

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhấn mạnh, với tinh thần chung sống an toàn với dịch bệnh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó lợi thế là tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao.

Vì thế, khi phát sinh những ca mắc mới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã kịp thời kích hoạt các biện pháp chống dịch với phương châm cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng chia sẻ.

Trước nguy cơ dịch có xu hướng phức tạp hơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp dập dịch nhanh nhất.

UBND tỉnh sớm cập nhật, ban hành các văn bản hướng dẫn mới phù hợp với tình hình, đặc thù địa bàn để các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Tăng cường giám sát cách ly tại nhà; ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng chưa được tiêm và khu vực nguy cơ.

Đối với công tác chống dịch tại các doanh nghiệp, phải đánh giá cụ thể yếu tố dịch tễ, phân loại xét nghiệm theo vị trí việc làm và mức độ nguy cơ để vừa chống dịch hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Các sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cho doanh nghiệp về an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”…

Các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng dịch cho người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp và thuê trọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ