Ba loại tên lửa uy lực sẽ được Iran dùng trong Chiến dịch True Promise 3
Iran được nhận định sẽ dùng ba loại tên lửa chính là: Fateh-2, Emad và Khorramshahr trong Chiến dịch True Promise 3 (Lời hứa thực sự 3) được đề xuất.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) gọi chiến dịch này là “Lời hứa thực sự 3” để khẳng định rằng, các nhà lãnh đạo cấp cao ở Tehran, bao gồm cả Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, có ý định thực hiện lời thề “trừng phạt” các cuộc tấn công của Israel và các nước khác nhằm vào Iran.
Những tên lửa này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, và nhằm đạt được hiệu quả tối đa trên chiến trường.
Fateh-2 là tên lửa siêu thanh được thiết kế để chế áp các hệ thống phòng không và phá hủy radar của đối phương. Nhờ tốc độ cao và khả năng cơ động, nó có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại, trở thành công cụ quan trọng để đảm bảo ưu thế trên không.
Emad là tên lửa chiến thuật nổi bật với độ chính xác cao và chi phí tương đối thấp. Nó được thiết kế để tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng. Bộ chỉ huy Iran coi đây là phương tiện phổ biến để tấn công các mục tiêu chiến lược.
Khorramshahr là tên lửa có đầu đạn mạnh nặng 1,5 tấn. Nó được thiết kế để phá hủy các vật thể lớn, và có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy các mục tiêu cơ sở hạ tầng lớn.
Các chuyên gia lưu ý rằng, mỗi loại tên lửa này đều có vai trò riêng, mang lại sự linh hoạt trong chiến lược, từ tấn công các mục tiêu riêng lẻ đến chế áp các hệ thống phòng thủ của đối phương và gây ra sự tàn phá trên diện rộng.
Iran, Nga chuẩn bị ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện
Trong một diễn biến có liên quan, Iran và Nga được cho là chuẩn bị ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện trong những tháng tới, đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi mới đây cho biết, văn bản này dự kiến sẽ được ký trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Iran đến Moscow.
Thỏa thuận đang được chuẩn bị để phê duyệt này bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, năng lượng, giao thông vận tải, cũng như quan hệ đối tác quân sự và chiến lược. Điều đặc biệt quan tâm là khả năng đưa ra một cơ chế phòng thủ chung.
Theo các nguồn tin, dự thảo văn bản có thể quy định rằng, một cuộc tấn công vào một trong hai nước sẽ là cơ sở để sử dụng hỗ trợ quân sự từ quốc gia kia.
Các chuyên gia tin rằng, một liên minh như vậy có thể thay đổi cán cân quyền lực trên trường quốc tế. Đặc biệt, cơ chế hợp tác quốc phòng được đề xuất có thể là phản ứng trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ các thế lực bên ngoài, bao gồm cả phương Tây.