Chia sẻ của Budapest là hết sức quan trọng đối với Warsaw, nếu không Ba Lan có thể bị trừng phạt nội bộ. Có vẻ như trong EU, một lực lượng chính trị mới có thể tiêu diệt khối này từ bên trong.
Khi Ba Lan xung đột với EU
Các tranh chấp giữa Ủy ban châu Âu và Ba Lan về những điều cơ bản trong chức năng của Tòa án Hiến pháp của đất nước đã đi vào ngõ cụt. EU phải đối mặt với một sự chối bỏ sắc nét của Warsaw khi Brussels giới thiệu các biện pháp để đảm bảo tính độc lập của Tòa án Hiến pháp.
Bộ Ngoại giao Ba Lan chỉ ra rằng các khuyến nghị của EU mang tính chính trị với những nỗ lực để làm hoen ố đất nước họ. Ngay cả khi EU đưa ra những biện pháp trừng phạt chống lại Ba Lan, Warsaw quyết không đầu hàng.
Và giờ đây, Hungary - một đồng minh bất ngờ đã sát cánh với Ba Lan. Budapest tuyên bố rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại các biện pháp trừng phạt của châu Âu chống lại Warsaw. Nên nhớ, những quyết định như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi sự đồng thuận của tất cả 28 quốc gia của EU.
Chỉ cần một nước thành viên phản đối, EU sẽ không thể trừng phạt Ba Lan. Đây không phải là lần đầu tiên các nước này bất tuân sự lãnh đạo của Liên minh châu Âu. Đặc biệt, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào mùa thu năm 2016 xem xét liệu Budapest có thể thực thi quyết định của EU về việc giao hạn ngạch người tị nạn cho mỗi thành viên.
Một EU rệu rã
Sự khác biệt trong Liên minh châu Âu đã được biết đến từ lâu. Còn nhớ, để kết thúc và khắc phục ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước Nam Âu đã xích lại gần nhau để đối trọng với các nước “miền Bắc”, dẫn đầu là Đức.
Các nước Nam Âu phản đối “quyền bá chủ Đức” trong một “châu Âu thống nhất”, từ chối chính sách thắt lưng buộc bụng, chống lại chính sách di dân mà Đức “áp” cho họ.
Trong khi Ý và Hy Lạp đòi hỏi tất cả các thành viên EU đều phải chia sẻ gánh nặng từ dân nhập cư, những nước khác không chấp nhận việc phân bổ hạn ngạch do EU khởi xướng.
Xung quanh chuyện người di cư bất hợp pháp hé lộ phương pháp tiếp cận khác nhau trong chính sách láng giềng của EU. Các nước Nam Âu chỉ ra rằng, mối đe dọa an ninh của EU không phải từ Nga mà từ chính những người nhập cư bất hợp pháp.
Không có sự thống nhất về vấn đề trừng phạt đối với Nga, các nước như: Pháp, Ý, Hy Lạp, Síp và Tây Ban Nha tin rằng EU nên thay đổi chính sách, chế tài để bắt đầu một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Moskva. Quan điểm này vấp phải sự phản đối gay gắt từ Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Trong bối cảnh bất đồng sâu sắc, hàng loạt các đảng phái, các lực lượng chính trị theo chính sách dân túy, bảo hộ được lần lượt ra đời và giữ vai trò quan trọng ở tất cả các nước EU.
Có thể kể đến nhà lãnh đạo của “Mặt trận Dân tộc” Marine Le Pen, người đang được tín nhiệm trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống ở Pháp; Đảng
Tự do của Geert Wilders có khả năng “khuấy đảo” cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới tại Hà Lan. Ngoài ra, phong trào cấp tiến “Podemos” ở Tây Ban Nha mới chỉ ra đời có 2 năm đã trở thành một lực lượng chính trị lớn thứ 3 của nước này.
Ở Ý phải kể đến đảng dân túy “Năm Sao” và các nhà lãnh đạo “Northern League” Matteo Salvini; Ở Đức, đảng cánh tả “Sự lựa chọn cho Đức” cũng nhanh chóng lớn mạnh.
Thành công lớn nhất phải kể đến lãnh đạo đảng SYRIZA Alexis Tsipras của Hy Lạp, “Luật pháp và Công lý” của Ba Lan do Andrzej Duda lãnh đạo và ở Hungary, “Fides” do Viktor Orban đứng đầu.
Có thể nói, EU đã bước sang giai đoạn rệu rã. Cả trên bình diện quốc gia lẫn các phong trào, đảng phái, xu hướng chống lại sự thống nhất của EU đang lớn dần.
Vào thời điểm hiện tại, Ba Lan và Hungary bắt tay nhau chống lại nước Đức hà khắc, nhưng theo các nhà phân tích, trong tương lai, liên minh này chắc chắn sẽ có thêm các thành viên mới.