Bà giáo già và 110 bài thơ "Theo dấu chân Đại tướng"

GD&TĐ - 110 bài thơ diễn ca về một sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi một nhân vật lịch sử vừa được trưng bày trong triển lãm thơ diễn ca "Theo dấu chân Đại tướng" khai mạc sáng 21/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung (thứ 3 từ trái sang) tại triển lãm thơ diễn ca "Theo dấu chân Đại tướng".
Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung (thứ 3 từ trái sang) tại triển lãm thơ diễn ca "Theo dấu chân Đại tướng".

Triển lãm khai mạc nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đến dự khai mạc triển lãm có Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đại diện các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc triển lãm.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc triển lãm. 

Điều đáng nói, tác giả của 110 bài thơ này là một bà giáo già đã 83 tuổi – nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung. Bà đã miệt mài sáng tác trong suốt 20 năm qua với tất cả lòng kính trọng, yêu thương và biết ơn, như tình cảm của mọi người dân Việt Nam với vị tướng huyền thoại, một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một người anh cả thân thương của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tên tuổi của ông đã gắn liền với sự kiện lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Chiến thắng Điện Biên Phủ.

110 bài thơ của nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đã được trưng bày quy mô trên 92 tấm pano in lụa và khung tre ngà.
 
110 bài thơ của nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đã được trưng bày quy mô trên 92 tấm pano in lụa và khung tre ngà.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, bà Dung về công tác tại trường THPT Hải Hậu A (Nam Định), Nguyễn Trãi, Đoàn Kết (Hà Nội), cán bộ chỉ đạo của Vụ cấp 3 Bộ Giáo dục.

Hơn 30 năm cầm bút, bà đã viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu nặng Đại tướng, bà đã xuất bản sách “Tri ân Đại tướng – người hiền”, sau khi Đại tướng qua đời 4 tháng.

Tại triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng”, 110 bài thơ của nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đã được trưng bày quy mô trên 92 tấm pano in lụa và khung tre ngà, với hình ảnh minh họa do TTXVN và nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội Trần Hồng cung cấp.

Các bài thơ tái hiện những sự kiện lịch sử gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên 3 chủ đề: Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Vị tướng trong lòng dân; Sáng mãi ngàn năm.

Bà Dung tâm sự: “Tôi được vinh dự gặp Đại tướng lần đầu tiên vào mùa xuân 1998. Xúc cảm với câu chuyện Đại tướng với cây đàn piano của nhà văn Đào Vũ, tôi đã có một bài báo đăng trên Thể thao & Văn hóa. Nhờ đó tôi đã có cơ hội đến thăm Đại tướng ở nhà riêng.

Những câu chuyện giản dị, chân tình của nhiều lần gặp gỡ sau đó là nguồn cảm hứng cho những bài báo, những khúc diễn ca bằng thơ của tôi trong nhiều năm tháng sau này, kể cả sau khi Đại tướng đã ra đi”.

Cảm động với tấm lòng của một nhà giáo với “Đại tướng – người hiền”, phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói: Chúng tôi hy vọng, triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng sẽ là món quà ý nghĩa, là lời tri ân, tưởng nhớ vị tướng nhân hậu của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.