Ảo tưởng “làm giàu”

GD&TĐ -Trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và phong trào khởi nghiệp được thúc đẩy, mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là số đông giới trẻ đều mong muốn tìm kiếm một cách làm việc, khởi nghiệp để làm giàu một cách nhanh nhất có thể. 

Không nên sống ảo với những lý thuyết làm giàu trên giấy
Không nên sống ảo với những lý thuyết làm giàu trên giấy

Nắm bắt nhu cầu này, đã có rất nhiều các khóa học làm giàu được mở ra. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay hầu như chưa thấy ai nói rằng mình đã làm giàu được từ những khóa học này.

52 triệu cách làm giàu

Đây là số lượng từ khóa chúng ta sẽ có được trong chỉ 0,38 giây, khi tìm kiếm trên Google. Có rất nhiều những dòng tít hấp dẫn như: Làm giàu không khó, Bí quyết làm giàu từ tay trắng, Muốn làm giàu- hãy đọc câu chuyện thành công,… hay thậm chí là: Chỉ mua táo cũng thấy khả năng làm giàu,… Nội dung của những bài thuyết trình, hay những bài giảng của các khóa học thường tập trung vào phân tích những nguyên nhân vì sao mà bạn… vẫn nghèo. Muốn giàu lên, các bạn sẽ được nghe những lời khuyên kinh điển kiểu như: Hãy học tập người giàu, Làm giàu không khó, Phi thương bất phú,…

Thực ra, đó cũng chỉ là những phần nổi của nhiều chương trình “đào tạo” làm giàu, nội dung của nó có lẽ cũng có nhiều sự khác biệt so với những thông tin mà người đọc nhận được từ công cụ tìm kiếm Google. Tuy nhiên, cũng từ kết quả tra cứu của Google, người ta lại thấy nhiều nạn nhân của “học làm giàu” hơn là những điển hình thành công sau khi “học làm giàu”.

Ngay trong thời gian gần đây, báo chí cũng nêu một số trường hợp gắn việc học làm giàu thông qua những lớp học chuyên sâu với những cách kiếm từ kinh doanh chứng khoán, bất động sản,… Làm giàu thì chưa thấy đâu, nhưng nhiều người tham gia đã phải chịu tổn thất tới hàng trăm triệu đồng.

Có thể thấy, những khóa học làm giàu tại Việt Nam hiện đang khá thịnh hành, mà nội dung không thể thiếu là những thông tin, câu chuyện trên phương tiện thông tin đại chúng nói về những điển hình khởi nghiệp thành công của những doanh nhân trẻ,… Nhiều ý kiến cho rằng, một số khóa học không hẳn là thiếu tích cực, song nếu dễ dàng tin vào những khóa học và tấm gương tiêu biểu này, các bạn trẻ sẽ có nguy cơ rơi vào ảo tưởng, xa rời thực tế.

Điểm tựa gia đình

Đánh giá vấn đề xã hội này, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (ĐH Rmit) cho rằng: Đằng sau những câu chuyện thành công nổi bật của những nhà khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam, luôn thấp thoáng bóng dáng một gia đình vững chắc từ tài chính, kiến thức, kinh nghiệm cho đến mạng lưới chuyên nghiệp.

Những câu chuyện trên báo chí mới chỉ nói lên phần nổi của sự thành công, mà ít khi nói đến những yếu tố quan trọng giúp cho bạn trẻ đó thành công. Điểm mấu chốt của sự thành công là gia đình, bố mẹ đầu tư cho con cái từ những ngày còn bé, từ việc học tập, đào tạo chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho quá trình khởi nghiệp của họ.

Sự thành công không hẳn là một điều gì đó quá to lớn. Một thanh niên tỉnh lẻ về thành phố học, tốt nghiệp, lăn lộn đi làm trong một công ty nhỏ, bên ngoài làm thêm việc phục vụ cho một quán cà phê, rồi mấy năm sau bằng nguồn lực tích cóp của mình để tự thuê mặt bằng mở một quán cà phê nhỏ, tạo được nguồn thu nhập đảm bảo được cho bản thân và gia đình. Đó cũng được xem là một thành công rất đáng trân trọng.

Liên quan đến câu chuyện hướng nghiệp từ “học làm giàu” chị Phoenix Ho tư vấn: “Các bạn trẻ hãy ngừng đọc báo, ngừng share facebook với những câu chuyện này. Thay vào đó, hãy nhìn quanh mình để tìm những câu chuyện thành công gắn với hiện thực gần nhất, qua đó tự học hỏi, tìm tòi những yếu tố nào có thể dẫn đến thành công. Một công thức đơn giản là: chịu khó làm việc - luôn học hỏi - khiêm tốn và thực tế, đây chính là sự bắt đầu tự viết về câu chuyện khởi nghiệp của chính mình”.

“Đừng bao giờ nghĩ rằng, ai đó tự thành công một mình mà không cần gia đình họ. Đó là suy nghĩ ngây thơ, vì không có gia đình hỗ trợ trong giáo dục từ nhỏ, chi tiêu hàng ngày trong thời gian mới ra đời, cho đến mạng lưới quan hệ sau này, thì sự thành công của doanh nhân đó là điều không tưởng” - Phoenix Ho chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ