Anh lên phương án đảo chính lần 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tờ Express của Anh ngày 25/7 dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn bất ổn, và có những tin đồn cho rằng rất có thể sẽ xảy ra cuộc đảo chính lần nữa. Do vậy các chỉ huy quốc phòng của nước này đã lên kế hoạch khẩn cấp, sử dụng quân đội để sơ tán nhanh nhất hơn 50.000 công dân Anh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra biến cố.
Hiện nay các khí tài quân sự kể trên cùng lính đặc nhiệm SAS đã được triển khai ở căn cứ không quân Akrotiri trên đảo Síp, cách Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 160 km. Ngoài ra tàu chiến hải quân Anh cũng có mặt ở Địa Trung Hải sẵn sàng nhập cuộc một khi có mệnh lệnh từ Thủ tướng Theresa May.
Đặc nhiệm Anh sẽ tham gia sơ tán công dân Anh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra thêm cuộc đảo chính khác – Getty
Tờ Daily Star dẫn lời một quan chức quốc phòng Anh bày tỏ lo ngại, nếu xảy ra đảo chính lần nữa ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến nội chiến, và khi đó sẽ bùng nổ thành cuộc khủng hoảng cấp quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với Iraq, Syria, Iran và Anh lo sợ một nước Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn sẽ càng làm tình hình khu vực thêm trầm trọng.
Theo vị này, sẽ có nhiều nước nỗ lực giải cứu công dân mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra đảo chính lần nữa, và Anh dự định sẽ dẫn đầu chiến dịch.
Đặc biệt, khi có biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng đặc nhiệm SAS Anh sẽ bay đến các khu du lịch có công dân Anh tập trung tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời triển khai lập các khu an toàn ở các khu này lẫn bên trong các sân bay, bảo đảm an ninh cho cầu không vận bốc công dân Anh khỏi nước Thổ. Nếu cần thiết, lực lượng Anh có thể nổ súng vào đám đông bạo loạn nào cố ngăn cản việc sơ tán công dân Anh ngay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc nhiệm SAS từng triển khai chiến dịch cứu hộ như thế ở Lebanon, nhưng chưa đối diện với quy mô lớn như ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xảy ra đảo chính lớn hơn?
Không chỉ mình nước Anh lo ngại về nguy cơ đảo chính có thể tiếp tục xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, truyền thông thế giới cũng đang đưa ra nhiều bằng chứng đồn đoán về việc này.
Hãng tin CNN ngày 18/7 đưa tin, ít nhất 42 chiếc máy bay trực thăng chiến đấu đã biến mất khỏi kho quân sự ở căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong số đó mới chỉ có vài chiếc xuất hiện trong những ngày đảo chính vừa qua, số còn lại chưa rõ đang tập kết ở đâu.
Việc đáng ngại là căn cứ không quân Incirlick là nơi tập kết các máy bay chiến đấu Mỹ-NATO phục vụ cho cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Iraq và Syria, thậm chí nó còn có kho chứa các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ và NATO.
Kịch bản đảo chính lần thứ 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ đang được đồn đoán.
Việc 42 máy bay trực thăng biến mất khỏi kho quân sự, cùng với thông tin trước đó chuyên cơ của ông Erdogan đã bị 2 máy bay tiêm kích F-16 của lực lượng phản loạn bám sát và sau đó bay đi đâu không rõ đã làm dấy lên lo ngại sẽ nổ ra cuộc đảo chính thứ 2 chống lại chính quyền Erdogan.
Kênh truyền hình Mỹ CNN bình luận rằng, có vẻ như những người muốn đảo chính “không cam lòng” sau thất bại đầu tiên và sẽ có hành động tiếp theo. Tuy sẽ khó thành công nhưng họ vẫn sẽ thực hiện bởi không muốn bị thất bại trong tay Tổng thống Erdogan.
Không chỉ thế, tờ Financial Times của Anh mới đây cũng dẫn thông báo kết quả một cuộc điều tra xã hội học của Công ty nghiên cứu Streetbees ở Thổ Nhĩ Kỳ và đưa ra nhận định rằng, 1/3 dân số nước này cáo buộc Tổng thống Erdogan đứng đằng sau âm mưu đảo chính ngày 16/7/2016 vừa qua.
Trong khi đó, tờ Telegraph nhận định rằng, nỗ lực đảo chính của nhóm các sĩ quan bất mãn có thể không thành công, nhưng bây giờ đang có một cuộc “đảo chính” khác, đó thực chất là cuộc xung đột giữa những người ủng hộ Erdogan, chống lại những người phản đối phong cách lãnh đạo ngày càng độc đoán của ông.