Ấn tượng với giáo án Giáo dục công dân đạt giải nhất Hà Nội

GD&TĐ - Được xây dựng vô cùng công phu, giáo án môn Giáo dục công dân, chủ đề “Tự tin” của cô Nguyễn Thị Bích Hòa (Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và vô cùng sinh động.

Ấn tượng với giáo án Giáo dục công dân đạt giải nhất Hà Nội

Đây cũng là một thử nghiệm thành công cho các tiết dạy tích hợp liên môn đang rất nóng hiện nay.

Học bằng trải nghiệm

Chia sẻ về nội dung giáo án, cô Nguyễn Thị Bích Hòa cho biết mình bắt đầu bài học bắt đầu bằng trò chơi ô chữ với 5 từ khóa hàng ngang và 1 từ khóa đặc biệt hàng dọc. Với mỗi từ khóa hàng ngang, học sinh nào có câu trả lời nhanh nhất, đúng nhất sẽ nhận một phần quà. Học sinh phát hiện ra từ khóa hàng dọc và lý giải được ý nghĩa là quán quân. Từ khó hàng dọc cũng chính là chủ đề bài dạy: “Tự tin”. Mỗi từ khóa hàng ngang đều liên quan đến nội dung bài học.

Xem phần thi giới thiệu của học sinh trong tiết dạy của cô Nguyễn Thị Bích Hòa:

Ví dụ, một ô chữ có từ khóa “Trần Thủ Độ”. Từ từ khóa này, giáo viên nêu vấn đề để học sinh cùng thảo luận: Trong trò chơi Ô chữ bí ẩn, chúng ta đã nhắc đến một vị tướng - Thái sư Trần Thủ Độ với câu nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Đó chính là sự tự tin đầy bản lĩnh của nhà lãnh đạo trong tình thế khó khăn. Vậy, trong cuộc sống sự tự tin là như thế nào? Các em hãy thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề này.

Giải quyết câu hỏi: Thế nào là sự tự tin, giáo viên nêu vấn đề thảo luận: Ngày nay, nhiều bạn học sinh cho rằng chỉ những bạn học giỏi các bộ môn Văn, Toán, Anh mới có thể tự tin; còn những bạn khác dù giỏi các môn như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật hay Giáo dục công dân…thì không thể tự tin vì như vậy là không giỏi. Em có đồng tình với quan điểm này không? Theo em thế nào là tự tin ?

Hết thời gian thảo luận, giáo viên yêu cầu các nhóm lên bảng dán kết quả thảo luận vào mời một bạn đại diện cho nhóm tiêu biểu nhất trình bày nội dung thảo luận của nhóm. Các nhóm khác bổ sung ý kiến. Giáo viên tổng kết khái niệm.

Sau khi hình thành khái niệm tự tin, giáo viên tổ chức trò chơi Ai thông minh để tìm hiểu ý nghĩa của sự tự tin bằng sự tích hợp các kiến thức Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Thể dục. Chính qua trò chơi này, học sinh thể hiện mình là người có hiểu biết nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau và tổng kết ý nghĩa của sự tự tin.

Xem một phần thi tài năng giúp học sinh rèn luyện sự tự tin trong tiết dạy của cô Nguyễn Thị Bích Hòa:

Sau hoạt động trải nghiệm rèn luyện sự tự tin của học sinh qua trò chơi, học qua trải nghiệm, giáo viên giao nhiệm vụ, yêu cầu học sinh về nhà làm một bản tự đánh giá “Tôi tự tin” bằng cách viết, vẽ những việc mình đã hoặc sẽ làm để thể hiện sự tự tin của bản thân. Cuối cùng, giáo viên tổng kết tiết học bằng việc hô to “Ai tự tin” kêu gọi hành động của học sinh; học sinh đứng lên khẳng định “Tôi tự tin”, “Chúng tôi tự tin”.

Phong phú kiến thức với dạy học “móc xích”

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Bích Hòa, với những hoạt động dạy học như trên, học sinh có cơ hội được vận dụng kiến thức ở nhiều môn học đã biết để hình thành nên một nhận thức mới, một kinh nghiệm mới.

Thông qua đó, học sinh không chỉ củng cố kiến thức ở nhiều môn học mà còn thực sự làm chủ quá trình khám phá bài học mới. Các em không bị rơi vào trạng thái bị động tiếp nhận cái mới mà được khám phá, phát hiện dựa vào những hiểu biết và kinh nghiệm sẵn có. Chính vì vậy, các em sẽ tự tin hơn, hào hứng hơn và có được nhận thức sâu sắc, chắc chắn hơn, theo nguyên tắc dạy học “móc xích”.

Bên cạnh đó, học sinh có cơ hội trải nghiệm, tương tác và hình thành nên nhiều năng lực khác nhau. Đặc biệt nhất là, học sinh không dừng ở việc ghi nhớ, làm theo một cách máy móc mà thực sự hình thành được năng lực tư duy tích cực và sáng tạo. Học sinh chính là chủ thể tích cực và là chủ thể sáng tạo của quá trình học.

Ngoài ra, với các hoạt động đa dạng, học sinh cũng có cơ hội rèn luyện những năng lực quan trọng trong cuộc sống như năng lực làm việc nhóm, năng lực thể hiện bản thân, năng lực tự học.

Học sinh có sự thay đổi quan điểm về việc học, chuyển từ bị động tiếp nhận qua giáo viên chuyển sang tương tác, học hỏi từ bạn bè và tự khám phá. Việc học tập cũng không rời rạc ở từng bài, từng môn học mà có sự liên kết chặt chẽ các vấn đề. Trên hết, học sinh thay đổi nhận thức việc học để biết sang học để làm, để sống.

Học sinh hưởng ứng: “Tôi tự tin”, “Chúng tôi tự tin”:

“Không chỉ tác động đến học sinh, với cách dạy học qua trò chơi, học qua trải nghiệm, tích hợp kiến thức nhiều môn học, giáo viên có cơ hội trải nghiệm và tích lũy thêm kinh nghiệm về vấn đề dạy học liên môn, dạy học ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống thay vì dạy học lý thuyết hàn lâm.

Việc dạy học theo hướng liên môn và ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn thường đòi hỏi người giáo viên có sự hiểu biết sâu rộng và nhất là khả năng liên hệ thực tế. Chính vì vậy, người giáo viên sẽ ngày càng trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng của mình, trở nên năng động, sáng tạo hơn, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nghề giáo ở thế kỉ 21” - cô Nguyễn Thị Bích Hòa cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.