Ẩn họa từ sinh tố và nước ép hoa quả

GD&TĐ - Hiện nay, nước ép hoa quả đang trở thành xu hướng được đông đảo người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng. Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích, dinh dưỡng, sự tiện lợi, nhưng nước ép hoa quả cũng đang ẩn chứa không ít những nguy cơ gây hại cho sức khỏe NTD.

Nguồn gốc của nhiều loại đồ uống trên thị trường đang là câu hỏi đối với người tiêu dùng
Nguồn gốc của nhiều loại đồ uống trên thị trường đang là câu hỏi đối với người tiêu dùng

Bởi hiện không ít người vì hám lợi đã sử dụng hoa quả Trung Quốc, hoa quả không rõ nguồn gốc rẻ hoặc có thể bị hư hỏng bầm dập... để chế biến sinh tố, nước ép bán cho NTD.

“Ma trận” nước ép

Theo dự báo của GIA - công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, thị trường nước ép sẽ đạt xấp xỉ 72,3 tỷ lít trong năm 2017. Nhu cầu của thị trường tăng cao, nước ép không chỉ trở thành phân khúc quan trọng đối với những tập đoàn nước giải khát lớn, mà còn là cơ hội “hái ra tiền” của giới kinh doanh vừa và nhỏ hiện nay.

Điều này khiến thị trường nước ép đang trở thành một “ma trận”, với vô vàn kiểu nước ép, khiến NTD rất khó để chọn lựa và phân biệt đâu là nước ép từ quả tươi, đâu là nước được pha từ các nguyên liệu không rõ  nguồn gốc.

Các sản phẩm nước ép đóng chai vẫn là mặt hàng phong phú và đa dạng nhất, với các nhãn hiệu của đủ loại tập đoàn, công ty lớn nhỏ của Việt Nam như Vinamilk, Tân Hiệp Phát, đến các công ty quốc tế như Coca Cola, Pepsico…

Bên cạnh đó, nước ép sinh tố thủ công (xay, ép tại chỗ) cũng đang trở thành lựa chọn hàng đầu của không ít NTD. Trên hầu hết các con phố tại các đô thị lớn (đặc biệt là Hà Nội và Tp. HCM), có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng nước ép, sinh tố mọc lên như nấm, từ các cửa hàng cố định đến các quán lưu động…

Phố Hàng Buồm, một nơi được coi là “thiên đường” nước ép của Hà Nội. Tại đây các cửa hàng bày la liệt lọ, bình đồ uống tinh chế rất bắt mắt. Một số loại có nhãn mác, nhưng phần lớn các loại đồ uống tinh chế được đựng trong hộp hoặc can nhựa to nhỏ, với đủ các màu trắng, xanh, vàng...

Bên ngoài các hộp được ghi tên sản phẩm bằng viết tay. Một chủ cửa hàng cho biết, ở đây thường có 2 loạinước: siro và sinh tố. Siro là loại chỉ lấy nước ép đã được xử lý. Còn sinh tố thì cũng vẫn là loại quả đó nhưng được ép còn nguyên cả “xác” như quả tươi, đóng sẵn vào chai.

Giá bán của mỗi loại sản phẩm này tùy thuộc vào xuất xứ nội hay ngoại. Ví dụ, một chai sinh tố chanh leo có giá từ 90.000đ đến 120.000đ/chai1 lít. Một chai sinh tố kiwi từ 110.000đ đến 120.000đ/chai 1 lít  (tùy nội hay ngoại)...

Hãy là NTD thông thái

Vài năm trở lại đây, nước ép thủ công đang có xu hướng được tin dùng hơn các dòng nước ép công nghiệp đóng chai. Vì vậy, các cửa hàng kinh doanh sinh tố, nước ép đã “hái ra tiền”.

Chị Lê Thu Hoa - chủ cửa hàng đồ uống trên phố Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Hiện đồ uống bán chạy nhất đang là các loại nước ép, sinh tố hoa quả như xoài, cam, chanh leo, cà rốt, chuối…

Với nước ép đóng chai, dòng nước ép chứa sữa như Vfresh cam ép, chanh leo… là các sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Với máy móc hiện đại và các dòng hoa quả đa dạng, hầu hết nhu cầu của khách hàng đều có thể được đáp ứng nhanh chóng”.

Mang lại giá trị dinh dưỡng cao, giá cả hợp lý, tiện lợi, nhanh gọn, nước ép trở thành xu hướng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, nước ép hoa quả cũng ẩn chứa không ít những nguy cơ hại sức khỏe. Áp lực cạnh tranh, lợi nhuận khiến không ít doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh làm ăn gian dối, sử dụng các loại nguyên liệu “bẩn”, gây hại cho sức khỏe NTD.

Hàng loạt các vụ lạm dụng hóa chất độc hại, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng để chế biến đồ uống bị phanh phui trong thời gian qua là minh chứng. Các chuyên gia cũng cảnh báo, lạm dụng nước ép cũng có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như béo phì, tiểu đường và nhiều các bệnh khác…

Chính vì vậy, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, NTD nên cân nhắc lựa chọn những nhãn hiệu đồ uống có uy tín để sử dụng. Trong trường hợp tự làm, cần bảo đảm vệ sinh khi chế biến, chế biến đúng cách để giảm thất thoát dinh dưỡng. Lựa chọn các loại nguyên liệu chất lượng để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Vừa qua Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã lấy ngẫu nhiên mẫu của một số loại thức uống đường phố ở nội thành Hà Nội như: trà chanh, nhân trần, trà đá... Kết quả xét nghiệm cho thấy: Nước uống đường phố đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe đối với NTD.

Cụ thể, 3/9 mẫu có vi khuẩn hiếu khí vượt mức cho phép. 8/9 mẫu vượt mức cho phép về vi khuẩn E.Coli - loại vi khuẩn trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. 4/9 mẫu vượt mức cho phép men, mốc. Các loại nấm mốc sinh độc tố mycotoxin và aflatoxin, gây nhiễm độc cấp và mạn, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. 3/9 mẫu có Pb, Hg, Cd vượt mức cho phép...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ