Ăn gan động vật có độc không?

Gan được coi là cơ quan thải độc của cơ thể, nhưng ăn gan không có nghĩa là ăn các chất độc đó.

Ăn gan động vật có độc không?

“Thương con cho ăn tiết, giết con cho ăn gan” – quan niệm này có đúng không? PGS.TS Lê Thị Hương, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm – ĐH Y Hà Nội sẽ giải thích về điều này và hướng dẫn lựa chọn gan động vật an toàn.

Gan động vật được xem là thực phẩm rất tốt cho trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ và những người thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, đây lại là cơ quan nội tạng có nhiệm vụ chuyển hóa và giải độc cho cơ thể, nên có nhiều người khá e dè khi sử dụng loại thực phẩm này.

An gan dong vat co doc khong? - Anh 1

(Ảnh minh họa)

PGS.TS Lê Thị Hương cho biết, quan niệm “ăn gan bổ gan” không chính xác là như vậy. Bởi thực phẩm ăn vào được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng. Gan được coi là cơ quan thải độc của cơ thể, không có nghĩa là nơi lưu giữ các độc tố, bởi nó sẽ được chuyển hóa, phân hủy, đào thải qua phân, nước tiểu ra khỏi cơ thể. Như vậy không có nghĩa ăn gan là ăn các chất độc đó.

Trong trường hợp gan những con vật bị bệnh, có độc tố hoặc dư lượng kháng sinh của những con vật được nuôi hoặc sử dụng kháng sinh quá nhiều, thì khi ăn vào sẽ tích lũy những chất đó trong cơ thể của mình.

Gan giàu protein nhưng thuộc nhóm phủ tạng, tức là cholesterol khá cao. Chuyên gia khuyến cáo mỗi tuần chỉ nên ăn 1 – 2 bữa gan, mỗi bữa nên ăn 50 – 70 gam, bởi vì lượng gan này cung cấp lượng sắt rất cao, cũng như vitamin A có thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.

Những người có mỡ máu cao, lượng cholesterol trong máu cao hay người cao tuổi mắc bệnh tim mạch, huyết áp nên hạn chế ăn gan, nội tạng động vật nói chung.

Về cách lựa chọn gan, PGS.TS Lê Thị Hương khuyến cáo: Khi mua, cần quan sát màu sắc của gan phải đỏ tươi, đặc biệt bề mặt phải nhẵn, không có những nốt sần sùi lên, không có mùi lạ.

Khi chế biến, cần sơ chế kỹ, nấu chín kỹ tránh việc nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn trong gan bị nhiễm./.

Theo VOV2

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ