Hơn nữa, chúng ta vô cùng thích thú khi nhìn thấy niềm vui trên những gương mặt thân yêu; mà thực ra, bản thân chúng ta cũng thích những món quà bất ngờ thú vị. Cùng khám phá và tìm hiểu về sự xuất hiện của phong tục tuyệt vời tặng quà năm mới trong lịch sử nhân loại.
Sự xuất hiện ngày Tết
Lịch sử đón mừng năm mới bắt nguồn từ thời cổ đại, khi con người thờ cúng các vị thần ngoại giáo. Hơn nữa, thời gian tổ chức đón năm mới khác nhau đối với các dân tộc khác nhau.
Ví dụ, người Ấn Độ và người dân khu vực Lưỡng Hà có phong tục ăn mừng năm mới vào ngày 21/3, ngày tiết xuân phân, và tất nhiên họ có lý do. Đây là lúc công việc đồng áng bắt đầu, và mọi người muốn giành thiện cảm của các vị thần để được phù hộ mùa màng bội thu.
Cư dân Hy Lạp cổ đại cho rằng năm mới đến vào ngày hạ chí: 22/6 và tổ chức ăn mừng bằng một lễ hội hóa trang hoành tráng. Khoác lên mình bộ trang phục của thần Lưu Linh, người Hy Lạp vui chơi, nhảy múa, tham gia lễ rước thần Dionysus, vị thần bảo trợ những người làm rượu nho.
Còn người Ai Cập coi sự xuất hiện của sao Thiên Lang trên bầu trời là báo hiệu năm mới bắt đầu. Các giáo sĩ tổ chức những nghi lễ đặc biệt long trọng vào tháng 9, bày tỏ sự tôn kính đối với các thần linh để cầu xin lòng thương và nhận được sự bảo trợ.
Năm 46 trước Công nguyên, Hoàng đế La Mã Julius Caesar đã tiến hành cải cách lịch pháp, được gọi là lịch Julius. Theo đó, một năm có 365 ngày, được chia thành 12 tháng, và ngày nhuận được thêm vào tháng Hai sau mỗi 4 năm. Truyền thống này bắt rễ ở các quốc gia văn minh nhất và tồn tại cho đến ngày nay.
Ngoài những món quà phong phú dâng lên các vị thần ngoại giáo, mọi người còn tặng quà cho nhau, và thông thường, việc chọn quà phụ thuộc vào địa vị của con người trong xã hội, vào thành phần giai cấp nhất định của người đó.
Những món quà đầu tiên
Tương truyền rằng người khai sinh ra phong tục tặng quà năm mới là hoàng đế Julius Caesar, nghĩa là người La Mã. Còn những món quà đầu tiên là cành nguyệt quế và những đồng xu khắc hình thần Janus hai mặt.
Ban đầu ở Roma, năm mới được đón vào tháng 10, sau đó vào tháng 3, và cuối cùng là vào tháng Giêng. Có thể coi nước Ý là nơi sản sinh ra những ngày lễ yêu thích của chúng ta ngày nay. Nhân tiện xin nói, ngày nay ở Ý, chủ yếu người ta tặng quà vào dịp lễ Giáng sinh, còn quà tặng năm mới chỉ mang tính biểu tượng.
Phong tục để quà dưới cây thông Noel
Người Babylon cổ đại vui mừng kỷ niệm ngày đông chí như là ngày sinh của thần bảo trợ thực vật Tammuz. Họ cho rằng thần Izdubar cũng dâng lễ vật cho thần Tammuz, giấu chúng dưới cây thông quanh năm xanh tốt.
Bạn có thể đối chiếu những phong tục hiện nay với những thời đại xa xưa đó. Rõ ràng, tất cả những ngày lễ tồn tại trên thế giới hiện nay đều bắt nguồn từ việc thờ cúng các vị thần ngoại giáo, cũng như hình thức tiến hành chúng.
Phong tục đặt quà năm mới dưới cây thông Noel đến với chúng ta từ phương Tây. Trẻ em đặc biệt thích thú trước cơ hội tìm được những món quà tuyệt vời dưới những cành thông tươi mát. Những ký ức tuổi thơ kỳ diệu gắn liền với không khí lễ hội nhộn nhịp trong gia đình và bầu không khí tươi vui trên phố phường vẫn đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời.
Phong tục để quà trong ủng hoặc giày
Ở các nước châu Âu, từ lâu tồn tại phong tục đặt một chiếc ủng hoặc giày đánh nhẵn bóng ngoài ngưỡng cửa hoặc dưới cây thông để tìm được món quà ưng ý trong ngày đầu năm mới. Ngoài ra, cư dân châu Âu còn treo một chiếc tất màu sắc rực rỡ đựng bánh kẹo và đồ lưu niệm trên lò sưởi hoặc bên chiếc nôi trẻ em.
Phong tục này bắt nguồn từ câu chuyện về Thánh Nicholas, vì thương những người nghèo, đã ném một nắm đồng xu hoặc một vài thỏi vàng vào ống khói của nhà họ. Tiền rơi thẳng vào những chiếc tất treo trên lò sưởi. Để ghi nhớ phong tục này, người châu Âu bắt đầu nhét đầy quà năm mới vào những chiếc tất hoặc giày.
Ông già Noel mang quà đến từ bao giờ?
Vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, có một con người tuyệt vời tên là Nicholas chào đời bên bờ Địa Trung Hải. Ông nổi tiếng là người chính trực và mong muốn làm điều thiện cho mọi người. Lớn lên trong một gia đình giàu có, Nicholas chọn con đường phụng sự cơ đốc giáo, cuối cùng trở thành giám mục.
Được bố mẹ để lại một tài sản khổng lồ, ông hào phóng ban phát cho những người nghèo và quan tâm đặc biệt tới trẻ em. Sau khi qua đời, vị giám mục được phong thánh.
Ngày nay chúng ta biết đến ông với cái tên Thánh Nicholas, vị thánh bảo trợ du khách và trẻ em. Vị thánh này được các tín đồ chính thống giáo yêu quý, nổi tiếng là người đáp lại những lời cầu nguyện chân thành của các tín đồ, thực hiện những mong ước thầm kín nhất của họ. Phải chăng đó không phải là một phép mầu?
Theo quan niệm cơ đốc giáo, Thánh Nicholas luôn làm điều thiện giấu tên và vẫn trung thành với nguyên tắc ấy ngay cả sau khi chết. Đêm giao thừa, cùng với các thiên thần, ngài bay từ trên trời xuống và tặng quà cho cả những đứa trẻ ngoan ngoãn lẫn những đứa trẻ nghịch ngợm. Vì vậy, ông trở thành nguyên mẫu của ông già Noel và ông già Tuyết ngày nay.
Phong tục viết thư cho ông già Noel
Phong tục viết thư cho ông già Noel xin tặng quà bắt nguồn từ phương Tây. Hơn một thế kỷ nay dân châu Âu và Mỹ thường xuyên viết thư cho ông già Noel.
Vào nửa sau của thế kỷ 19, người ta chính thức cho rằng ông già Noel định cư tại Bắc Cực. Kể từ đó, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong đức tin công giáo bắt đầu viết thư cho ông già tốt bụng để chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của mình, đồng thời nhờ ông gửi quà năm mới và thực hiện những ước mơ của các em. Các em ghi ngoài phong bì theo địa chỉ: Kính gửi ông già Noel ở Bắc Cực.
Mặc dù trẻ em bí mật viết thư cho ông già Noel, nhưng người lớn biết rất rõ điều đó, và với sự nhạy bén, họ đã biến nó đó thành một ngành kinh doanh trong dịp này.
Tiếc rằng trong thời đại Internet hiện nay, trẻ em ngày càng ít viết thư, các em coi ông già Noel như một vị phù thủy tốt bụng và một người bạn tuyệt vời của mình có thể bàn luận về các đề tài khác nhau. Những bức thư ngày càng ngắn hơn và thường chỉ liệt kê danh sách các món quà!