Máy pha cafe: Nếu cốc cafe vào mỗi buổi sáng của bạn có vị khét hay có vụn cafe lắng dưới đáy cốc thì đó là lúc bạn nên vệ sinh máy pha cafe. Tốt nhất là nên rửa máy một tháng/lần với công thức 50% nước và 50% dấm để làm sạch hiệu quả nhất, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch cho đến khi mùi giấm bay hết.
Gối dựa: Nhiều người chỉ giặt vỏ gối trong phòng ngủ mà quên gối dựa trên sofa hay ghế dài. Gối dựa cũng sẽ bám bẩn, dính mồ hôi hay thậm chí bị đổ đồ ăn, thức uống lên. Bởi vậy bạn nên thường xuyên giặt vỏ gối và phơi ruột gối dưới nắng.
Thùng rác nhà bếp: Dù đổ rác thường xuyên nhưng nếu không được vệ sinh sạch, thùng rác vẫn sẽ bốc mùi. Bạn nên lau chùi thùng rác và dùng các dung dịch làm sạch để đảm bảo những vi khuẩn gây hại trong thùng rác không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Rèm, thảm: Rèm và thảm nhìn bằng mắt thường vẫn có thể sạch sẽ, nhưng kỳ thực chúng chứa rất nhiều bụi bẩn và nấm mốc. Nếu bạn thường xuyên đi chân trần trên thảm hay kéo rèm cửa hàng ngày, bạn nên vệ sinh chúng định kỳ.
Máy rửa bát: Máy rửa bát có công dụng làm sạch bát đĩa, nhưng bản thân nó lại không tự vệ sinh cho mình được mà cần đến bàn tay của con người. nếu máy rửa bát không sạch sẽ, bát đũa của bạn cũng không sạch.
Đồ dùng vệ sinh: Rất nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết những đồ dùng nhỏ trong phòng tắm chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc như thế nào. Từ cốc đánh răng, hộp đựng xà phòng, móc treo khăn mặt... nếu không được làm sạch thường xuyên thì môi trường ẩm mốc trong phòng tắm sẽ khiến vi khuẩn bám vào.
Máy giặt: Bạn có thể không để ý nhưng sau một thời gian không vệ sinh máy giặt, quần áo của bạn dù giặt xong vẫn sẽ bám bụi và có mùi ẩm mốc. Mẹo làm sạch máy giặt là chạy máy với hỗn hợp giấm, baking soda và nước ấm.
Tay nắm cửa, thanh vịn: Bàn tay con người có rất nhiều vi khuẩn, và những nơi mà bạn thường xuyên chạm tay vào như tay cầm, thanh vịn cũng sẽ bị bám vi khuẩn nếu bạn không làm sạch thường xuyên.