7 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

7 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
(GD&TĐ) - Trong tuần qua, biến động của giá dầu, chứng khoán lao dốc, các  nhà đầu tư tăng dự trữ các tài sản an toàn như USD hay trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy vậy, một số nước châu Á vẫn hưởng lợi trong cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới.  
Ngày 19/5, giá dầu thô ngọt nhẹ lao dốc xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, tại 69,41 đôla, giảm 1%. Giá dầu không giữ được ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 70 đôla một thùng do giới đầu cơ tiếp tục đánh xuống mặt hàng này sau khi 16 đồng tiền chủ chốt trong rổ ngoại tệ cùng xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đôla Mỹ. Số liệu cũng của Cơ quan năng lượng Mỹ cũng cho thấy dự trữ năng lượng của nước này tiếp tục tăng trong thời gian qua.
Ngày 18/5, Đức ban hành lệnh cấm bán khống vô căn cứ (naked short selling) đối với 10 cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ và các hợp đồng trao đổi tín dụng. Lệnh cấm này khiến các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt lao dốc. Tuy mục đích của chính quyền Berlin khi ban hành lệnh là ngăn chặn tình trạng đầu cơ tài chính nhưng việc áp dụng bất ngờ, không báo trước của Đức đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ các nước châu Âu cũng như thị trường tài chính quốc tế. 
Chứng khoán châu Á ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 2/2009 do thất vọng bởi số liệu thất nghiệp tại Mỹ cũng như khả năng khủng hoảng nợ lan rộng tại châu Âu. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 6,7% xuống mức 111,98 điểm trong tuần này và có mức đóng cửa thấp nhất từ tháng 8/2009. 
Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ bán ra tăng mạnh trong thời gian qua khi giới đầu tư lo lắng hơn về khủng hoảng châu Âu. Đáng chú ý, giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn dài do Trung Quốc mua tăng 2% lên mức 895,2 tỷ USD (tính đến hết tháng 3/2010). Đây là lần đầu tiên trong 6 tháng, Trung Quốc tăng mua trái phiếu chính phủ Mỹ. 
Tính đến ngày 20/5, nợ công của Nhật đã tương đương 230% GDP của nước này. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp phát triển. Con số này đã khiến Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) phải lên tiếng cảnh báo Chính phủ Nhật về nguy cơ khủng hoảng. IMF cho rằng: kinh tế phục hồi sẽ cho phép Nhật đưa ra các biện pháp cắt giảm nợ. Tuy nhiên các chính sách thuế có thể lại làm giảm chi tiêu và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. 
Ngày 20/5, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố: GDP trong quý I/2010 của Singapore tăng 15,5%, cao hơn so với dự báo 13,1% của tháng trước và là mức tăng cao nhất kể từ năm 1975. Singapore đã và đang hưởng lợi nhờ sức cầu đến từ châu Á và Mỹ. Tuy nhiên, Chính phủ nước này cũng nhìn nhận khủng hoảng nợ châu Âu có thể khiến niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm cũng như làm chậm đà phục hồi kinh tế trong thời gian còn lại của năm. 
Sau cuộc họp diễn ra vào ngày 21/5 với các chủ nợ, Tập đoàn tài chính Dubai World một lần nữa thoát khỏi nguy cơ phá sản khi số nợ trị giá 23,5 tỷ USD tiếp tục được gia hạn. 90 chủ nợ, bao gồm cả HSBC, Royal Bank of Scotland và Bank of Tokyo, đồng ý để Dubai World có thêm thời gian để huy động tiền trả nợ, thông qua một số hình thức như bán bớt tài sản và cắt giảm chi tiêu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ