Đảm đương nhiều vai trò
Là một người vợ tốt, một người mẹ tuyệt vời... quả thật không dễ, khi người phụ nữ phải cùng lúc chèo chống giữa những nghĩa vụ và thiên chức...
Theo GS Lê Thi, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, thì: “Phụ nữ đồng thời phải đảm đương nhiều chức năng: sản xuất, sinh con, nuôi con, chăm sóc gia đình, và hiện tại còn phải nương theo cái sự học để nâng cao trình độ.
Vì thế, họ phải có sức khỏe dẻo dai mới cáng đáng nổi những công việc đó cùng một lúc. Sức khỏe bền bỉ một phần do chế độ dinh dưỡng lúc trẻ, một phần quan trọng phải tự rèn luyện, quan trọng hơn phải sống điều độ, từ ăn uống làm việc, vui chơi, tránh những thái quá cả về mặt vật chất và tinh thần”.
Nhiều phụ nữ ngày nay đã thốt lên ngạc nhiên khi nhìn nhận về chính mình: "Tôi thấy mình giống như chiếc bông vụ, xoay xoay đến mức chóng mặt...".
Tâm sự này không phải của riêng ai, khi càng lúc càng có nhiều phụ nữ phải luôn nâng cao trình độ trong một môi trường học tập không ngừng.
Học vì những động cơ rất chính đáng, hợp lý. Chỉ với 24 giờ đồng hồ, làm thế nào chị em có thể cân bằng? Làm thế nào để có thể đảm đương tất cả những công việc của cơ quan, của gia đình?
Có thể nhận thấy một trong những yếu tố quan trọng trong tính cách của người phụ nữ là sự chịu đựng cũng như khả năng sắp xếp.
Chị Minh Y - Học viên cao học - tâm sự: "Nhiều lúc mình còn học nhưng anh ấy đã bắt đầu buồn ngủ. Thói quen vợ chồng ngủ chung hình thành đã lâu nên cũng không biết thế nào, đành phải khéo léo dụ anh ấy ngủ trước rồi lại lục đục ra học tiếp...".
Những “chìa khóa mở” hiệu quả
Những biện pháp từ giản đơn đến phức tạp đều có thể có hiệu quả. Thay đổi chế độ sinh hoạt là chìa khóa đầu tiên. Đi ngủ cùng anh ấy sớm hơn một tí, bạn có thể trò chuyện với chồng; khi anh ấy đã ngủ yên, bạn có thể dành một ít thời gian cho việc học. Khi anh ấy ngủ sớm, chắc chắn anh ấy sẽ không buồn bã và ghen khi thấy bạn "ôm bài" nhiều hơn ở gần chồng.
Dậy sớm hơn một tí để làm những công việc mà mình còn "nợ" vì mình phải chăm sóc anh ấy. Tình yêu tràn trề nhưng việc học vẫn hoàn thành hiệu quả. Anh ấy sẽ rất vui vì được vợ quan tâm.
Bạn cũng rất vui vì anh ấy vui và có đủ sức khỏe và thời gian để học... Thay đổi chế độ sinh hoạt không chỉ cân đối được thời gian mà còn tránh được những cảm giác hụt hẫng của anh ấy, nếu có...
Thứ hai, bí quyết khá quan trọng là hãy nhờ anh ấy giúp sức. Đừng tỏ ra mình quá bận rộn mà thay vào đó hãy tỏ ra mình cần được che chở, chia sẻ.
Nếu luôn miệng nói em bận rộn, em phải học thì anh ấy sẽ bảo học để làm gì! Không nên nói em phải học, anh làm đi mà hãy bắt đầu bằng câu: anh giúp em, anh làm giúp em nhé...
Điều đó sẽ không làm cho anh ấy bị thương tổn hay bị cái tôi "quẫy đạp" vì anh ấy thấy mình có giá trị. Hơn nữa, anh ấy sẽ nhận ra rằng đó là điều nên làm, cần làm vì mình là chồng... Đương nhiên, cũng đừng ép anh ấy làm những việc không thực sự của mình hay không quá phù hợp.
Biện pháp thứ ba không kém phần hiệu quả là hãy tạo mối quan hệ cha - con thật gần gũi, thân thiết nếu các bạn đã có con. Anh ấy yêu thương con đến mức độ nào thì đương nhiên cũng sẽ yêu vợ chừng ấy.
Điều quan trọng là anh ấy sẽ hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc, đưa đón, chơi với con... để vợ rảnh tay một chút. Khi nhận ra được quan hệ tuyệt vời giữa cha - con, anh ấy sẽ hiểu rằng mình có vai trò rất quan trọng trong gia đình. Với vợ, hy sinh một chút nữa cũng tốt thôi! Đây chính là hiệu ứng của trách nhiệm - tình thương.
Bí quyết thứ tư là hãy để chồng vui vẻ đôi chút với bạn bè nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Điều đó sẽ tránh đẩy bạn vào thế "hai gọng kìm song song".
Vui với bạn có chừng mực, anh ấy sẽ cho bạn thêm một ít thời gian để tranh thủ học. Tuy vậy, đừng học trong sự ghen tuông, vì như thế chẳng có hiệu quả.
Vui cùng bạn, anh ấy sẽ có cảm giác rất thoải mái và được thư giãn để có thể quay về trong tâm trạng tích cực. Hiểu và thông cảm là điều có thể đến một cách bất ngờ...
Mẹo thứ năm cũng khá căn cơ là hãy khuyến khích chồng chăm chút công việc trong gia đình. Anh ấy sẽ làm được những điều rất kỳ diệu để quan tâm đến bạn, quan tâm đến gia đình và cảm thấy mình cũng thực sự có giá trị. Lúc này, việc học của vợ không phải là thách thức nữa mà đã thành một cơ hội để người chồng có trách nhiệm hơn, tình cảm hơn...
Sự học cần thường xuyên, liên tục và có định hướng. Những tình cảm cũng như hành động quan tâm trực tiếp của người chồng sẽ là nguồn động lực cụ thể, rất đặc biệt, không chỉ làm gia tăng sức mạnh thể chất mà còn là sức mạnh tinh thần.
Điều quan trọng là người vợ - người phụ nữ hãy biết cách khơi gợi ở chồng thái độ tích cực và tự nguyện. Đó mới thực sự là nghệ thuật chinh phục.