46% hộ dân không dùng công tơ điện tử vẫn phải đóng tiền?

46% hộ dân không dùng công tơ điện tử vẫn phải đóng tiền?

Cách tính lợi cho EVN, thiệt cho dân? 

Theo báo cáo của EVN, hiện tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử tại Việt Nam là 54%, trong khi 46% hộ gia đình còn lại vẫn phải dùng công tơ cơ – công nghệ cũ phụ thuộc quá nhiều vào con người. Trong khi đó, Khoản 1, 2, Điều 24, Luật Điện lực quy định: “Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm điện và thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Thiết bị đo đếm điện phải phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và được cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường kiểm chuẩn và niêm phong”. 

Theo các chuyên gia kinh thế, căn cứ theo Điều 24, Luật Điện lực thì EVN có quyền tính toán, cân đối chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống công tơ dựa trên tổng doanh thu, lợi nhuận hàng năm… làm sao để đạt được mục tiêu lắp đặt công tơ điện tử cho 100% các hộ gia đình. 

Tuy nhiên, với cách tính này thì “tiện” cho EVN, còn 46% hộ gia đình sử dụng công nghệ cũ – tức là dùng công tơ cơ mà vẫn phải trả giá điện theo bậc như những gia đình dùng công tơ điện tử (công nghệ mới) là không công bằng. 

Có thể ví dụ về sự khác biệt về 2 loại công tơ này: Đối với công tơ điện tử, nhân viên ghi chỉ số điện sẽ chụp ảnh mặt công tơ tại vị trí lắp đặt sau đó hình ảnh được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý dữ liệu. Dữ liệu sẽ được tải lên một số nền tảng như website, App, Zalo, SMS… Vì vậy, người dân chỉ cần bỏ vài phút để truy cập web, Zalo… bằng điện thoại, máy tính là có thể kiểm tra chỉ số công tơ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, người dùng công tơ cơ chỉ theo dõi chỉ số điện thông qua việc ghi chép của nhân viên điện lực. Muốn đối chứng thì dân phải gọi cho nhân viên điện lực đến mở công tơ kiểm tra.  

Chưa biết dữ liệu trên công tơ điện tử có thể bị can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật hay không. Nhưng nhìn vào cách giám sát của 2 công nghệ này thì rõ ràng có sự khác biệt rất lớn. 

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cách tính “cào bằng” nêu trên trái ngược với cơ chế thị trường – có nghĩa là khách hàng phải được sử dụng dịch vụ đúng với số tiền nhiều >< ít mà mình bỏ ra. 

Mặc dù vậy, trong một góc nhìn khác, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài Chính cho rằng: 46% hộ dân còn lại và đặc biệt là người nghèo không sợ thiệt thòi. Vì ngay từ khi xây dựng biểu giá điện, cơ quan chức năng đã có tính toán để làm sao hỗ trợ tối đa được cho người nghèo. 

Cụ thể, Chính phủ đã quy định biểu giá điện bán lẻ bình quân sau đó giao cho Bộ Công Thương xây dựng giá bán lẻ cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, hộ bán lẻ, người tiêu dùng và phải bảo đảm an sinh xã hội, tiết kiệm điện. 

An sinh xã hội là có người giàu, người nghèo, người nghèo thì phải hỗ trợ người ta, vì vậy, phải xây dựng biểu giá điện. Người nào sử dụng ít thì trả ít tiền, nhiều thì trả nhiều tiền… Còn EVN chịu trách nhiệm công tơ có chuẩn không? Đo đếm có chính xác không?... 

Hậu quả đã rõ 

Điểm đáng chú ý là nhiều trường hợp sai sót liên quan đến chỉ số công tơ điện lại nằm trong khu vực 46% số người đang dùng công tơ cơ. Đặc điểm chung là giá điện tăng lên nhiều lần so với tình hình sử dụng thực tế. Điển hình nhất là trường hợp một hộ gia đình ở Quảng Ninh số tiền điện tăng đến gần 90 triệu đồng do nhân viên hoa mắt ghi nhầm, hay số công tơ 6 tháng như 1 hoặc những trường hợp tăng vài triệu thì rất nhiều… 

Theo quan điểm của TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam: 46% hộ gia đình sử dụng công tơ cơ – trong đó có nhiều hộ nghèo chịu thiệt hại do công tơ đã rõ ràng. Vậy thì làm sao để bảo đảm công bằng, tăng tính giám sát cho dân và giảm thiệt hại do sai sót chủ quan của nhân viên điện lực? Đó là câu chuyện không phải bây giờ mới nói mà cơ quan chức năng đã thảo luận cách đây hàng chục năm. 

Cụ thể, từ 2004, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã bàn đến vấn đề minh bạch, tăng quyền giám sát của người dân thông qua việc đặt công tơ ở đâu? Quản lý công tơ thế nào? Ai giám sát và giám sát xử phạt vi phạm thế nào? 

 Việc quản lý, giảm sát thế nào cho bảo đảm minh bạch đã dẫn đến nhu cầu lắp đặt công tơ điện tử để bên mua, bên bán tiện giám sát lẫn nhau như hiện nay. Tuy nhiên, cách tính giá điện hiện nay có nhiều bất cập khiến người dân không sử dụng công nghệ tiên tiến vẫn phải trả tiền điện theo bậc thang, giống như những gia đình sử dụng công nghệ mới. Muốn giải quyết vấn đề này thì cơ quan chức năng phải xây dựng lại giá điện. Tốt nhất nên áp dụng thử điện 1 giá trong thời gian 1 năm xem thế nào. Chắc chắn những sai sót trong cách tính giá điện bậc thang hiện nay sẽ bộc lộ và bảo đảm công bằng cho tất cả mọi người. 

Còn trước mắt TS Ngô Đức Lâm cho rằng, việc cách chức nhân viên, cán bộ ghi sai chỉ số công tơ chỉ là phần ngọn. Cái gốc của vấn đề minh bạch, sòng phẳng, công bằng cho người dùng điện đó là phải xóa bỏ độc quyền trong ngành điện theo đúng bản chất và xây dựng lại cách tính giá điện. Có như vậy, khách hàng mới thực sự được làm “thượng đế”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.