PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi năm số lượng trẻ nhập viện vì các chứng bệnh viêm đường hô hấp phổ biến như: viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi,… tăng lên tới 30-40% sau mỗi đợt rét đậm rét hại.
Do vậy, giữ ấm cơ thể cho trẻ để hạn chế tối đa khả năng mắc các bệnh này ở trẻ là điều cần thiết. Tuy nhiên, khái niệm "giữ ấm cho trẻ" thế nào là đúng thì hẳn nhiều người còn chưa biết và cho rằng chỉ cần mặc thật nhiều quần áo là đủ mà không biết rằng, đây chính là sai lầm thường gặp nhất trong quá trình chăm sóc trẻ vào những ngày lạnh của các bố mẹ.
Chỉ cần giữ ấm đủ 4 "vị trí vàng" trên cơ thể trẻ
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, lời khuyên cho các bố mẹ trong việc giữ ấm cơ thể cho trẻ chính là luôn mặc vừa đủ cho trẻ khi ở trong phòng và mặc nhiều lớp áo khi ra ngoài, đề phòng trường hợp khi trẻ cảm thấy nóng hoặc ra mồ hôi có thể cởi bỏ từng lớp áo, tránh để xảy ra tình trạng ra mồ hôi, dễ nhiễm cảm và các bệnh về đường hô hấp khác.
Song PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, một điều quan trọng bố mẹ cần chú ý hơn cả chính là cần đảm bảo luôn giữ ấm đủ các vị trí: Bụng, chân, tay và lưng.
Giữ bàn tay ấm: Giữ ấm và đảm bảo cho tay trẻ không đổ mồ hôi. Bố mẹ nên sử dụng các loại bao tay bằng len 100% cotton hoặc vải 100% cotton. Không nên sử dụng bao tay bằng PE vì chất liệu tổng hợp này dễ gây hầm tay, làm bé đổ mồ hôi tay.
Giữ bàn chân ấm bằng cách đi tất, đi giày cho bé
Giữ lưng ấm: Việc giữ ấm lưng cho bé không khó nhưng phải chú ý giữ ấm vừa phải, tránh trường hợp lưng bị đổ mồ hôi không lau kịp thời. Mồ hôi thấm ngược lại cơ thể bé sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến việc bé bị nhiễm lạnh.
Giữ bụng ấm: Bụng được giữ ấm giúp bảo vệ dạ dày non nớt của trẻ. Dạ dày bị lạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ.
Mẹo nhận biết bé đang quá nóng hoặc quá lạnhMẹ cần đảm bảo con mình không bị lạnh hay bị nóng quá mức bằng cách thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ, đặc biệt là vào ban đêm khi con đang ngủ. Nếu sờ lưng thấy trẻ ra nhiều mồ hơi, có nhiều hơi nóng hoặc tóc bị ướt, bạn nên cởi bớt chăn hoặc quần áo. Ngược lại, nếu sờ bụng của trẻ mà thấy lạnh thì phải đắp thêm chăn vào.
Không nên sờ vào chân tay, vì các bộ phận này của bé thường lạnh hơn so với thân mình. Các dấu hiệu khác cho thấy bé quá nóng là đổ mồ hôi, thở nhanh, trán nóng, bứt rứt khó chịu.
Những lưu ý mẹ cần tránh làm gì khi giữ ấm cho trẻ
– Không nên đội mũ ấm đi ngủ vì đối với trẻ nhỏ, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể.
Thế nên, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
– Không nên dùng đệm nước ấm hay chăn điện đặt dưới chỗ nằm của bé nhằm phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nên nhớ trẻ dưới 2 tuổi vẫn chưa thể tự điều chỉnh được thân nhiệt của mình.
– Không nên đặt bé ngủ cạnh hoặc trực tiếp với những thứ phát ra nhiệt vì bé rất dễ bị bỏng và có nguy cơ xảy ra cháy nổ gây nguy hiểm cho trẻ. Để an toàn, bạn nên để lò sưởi xa nôi, cũi của bé. Ngoài ra, hãy giữ cho khu vực xunh quanh máy sưởi được gọn gàng, cách xa đồ chơi hay quần áo cũng như các vật dễ cháy khác.
– Không nên dùng loại chăn quá nặng đắp vì trẻ nhỏ dưới một tuổi có thể chết ngạt do chăn nặng phủ lên khuôn mặt. Bên cạnh đó, những loại chăn này cũng ủ nhiệt rất cao, dễ gây tình trạng quá nóng đối với bé khi ngủ.