Nếu tỷ lệ ly hôn ở Mỹ là 50% (theo thống kê của Liên Hợp Quốc), thì con số này ở Việt Nam vào khoảng 31%, tức cứ 3 cặp kết hôn lại có một đôi ly hôn.
Cuộc điều tra do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện năm 2017 cho thấy, có đến 49% trong số 900 cặp đôi khảo sát đã ly hôn. Để hôn nhân hạnh phúc và vững bền, bạn cần chuẩn bị ít nhất 4 điều sau.
Học cách đối đãi với bạn đời
Đám cưới trọng đại không phải đích đến cuối cùng của tình yêu mà là khởi đầu cho hành trình chung sống giữa hai cá tính khác biệt.
Chuẩn bị tâm lý chấp nhận và thấu hiểu sẽ khiến phái đẹp không bị hụt hẫng khi thấy chồng bớt yêu chiều, lãng mạn như ngày mới yêu; còn cánh mày râu sẽ quen dần với việc thức dậy bên cô vợ không trang điểm, nấu ăn chưa ngon hay ăn vận xuề xòa.
Mỗi người cần chuẩn bị tâm lý trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. |
Chị Hạnh (29 tuổi, Hà Nội) cho rằng cuộc sống gia đình không tránh khỏi những lúc va chạm, bất đồng quan điểm. Điều khiến vợ chồng chị sống hòa thuận suốt 5 năm nay chính là thái độ tôn trọng bạn đời, kiểm soát cơn nóng giận, kiềm chế lúc cãi vã và hạ giọng khi nói chuyện.
Một trong những kinh nghiệm quý giá của chị Hạnh là trước đám cưới, cả hai ngồi lại nói chuyện và thống nhất cách chung sống dưới một mái nhà.
Việc nhà được phân chia cụ thể cho từng người. Vợ chồng cũng thống nhất luôn gọi anh - em ngay cả khi cãi nhau, duy trì thói quen tặng hoa các dịp lễ và xem phim, ăn hàng mỗi tháng một lần...
Sẵn sàng tâm lý làm dâu, rể
Nhiều phụ nữ thừa nhận rằng cuộc sống với bố mẹ chồng không hề đơn giản. Điều này cũng đúng với các chàng trai ở rể. Để nhanh chóng hòa hợp, các cô dâu chú rể tập sự nên qua lại gia đình hai bên nhiều hơn, tìm hiểu về cách sống và thói quen của từng thành viên.
Trường hợp ở xa, vợ chồng nên trao đổi với nhau để hiểu được tính cách của mọi người trong gia đình.
Cuộc sống hôn nhân cũng gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình hai bên. Bạn là thành viên mới trong gia đình nên cần chu đáo và tinh tế trong cách sống.
Những hành động “lạt mềm buộc chặt” như gọi điện thăm hỏi hàng tuần, về quê dịp nghỉ lễ, biếu quà ngày Tết... sẽ giúp bạn trở thành dâu ngoan, rể hiền trong mắt gia đình bạn đời.
Khi kết hôn, bạn phải làm quen với nhiều thành viên trong gia đình chồng/vợ. |
Bồi bổ sức khỏe để sinh em bé
Dù bạn có định sinh em bé ngay sau cưới hay không, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là việc nên làm. Nếu bạn gặp vấn đề về sức khỏe và có nguy cơ hiếm muộn, chữa trị sớm sẽ giúp cả hai thỏa mong ước được làm cha mẹ.
Ngoài khám tổng thể, các cô dâu nên tiêm phòng cúm, Rubella, viêm gan B, tẩy giun… 3 tháng trước khi có ý định mang thai. Cánh mày râu cần tập thể thao, bỏ thuốc, kiêng rượu để có thể trạng tốt nhất. Rủ nhau tập gym, chạy bộ mỗi tối hoặc đi massage, spa... cũng là gợi ý hay để cả hai sống khỏe mạnh và giải tỏa căng thẳng trong công việc.
Chuẩn bị tài chính vững vàng
Hôn nhân gắn liền với cuộc sống cơm áo gạo tiền, khiến vợ chồng không còn thời gian giận dỗi vu vơ. Thanh Lan (28 tuổi) cho rằng: “Bây giờ lấy nhau sợ nhất là nghèo, nên nếu không có kế hoạch tài chính cụ thể, mình sẽ không cưới. Khi đã xác định chung sống, mình và bạn trai phải có công việc ổn định và cùng đưa ra mục tiêu cụ thể, ví dụ 2 năm sau thì sinh con, 5 năm mua nhà trả góp, 10 năm mua xe, 20 năm cho con du học”.
Ngay sau ngày cưới, Lan bỏ ống heo một phần số tiền mừng cưới, phần còn lại mở gói bảo hiểm tiết kiệm Sun Life. Cô nàng cũng bỏ dần thói quen mua sắm hàng hiệu, về sớm nấu cơm thay vì ăn nhà hàng sang chảnh. Chồng Hà bớt nhậu nhẹt tụ tập bạn bè, nhận việc về nhà làm thêm.
Với lối sống này, cả hai có thể hoàn thành mục tiêu mua xe 10 năm tới khi gói bảo hiểm tiết kiệm Sun Life đến hạn.
Sự chuẩn bị kỹ càng về tài chính như Thanh Lan được xem là quyết định khôn ngoan. Tài chính ổn định sẽ tạo điều kiện cho cuộc sống hôn nhân bền chặt. Kinh tế thoải mái cũng góp phần làm giảm mâu thuẫn trong cuộc sống. Đây còn là sự chuẩn bị chu đáo trước những khó khăn có thể xảy đến bất ngờ.