3.274 lời xin lỗi từ trại giam

Xin lỗi các tổ chức, cá nhân, thân nhân bị hại; xin lỗi cha mẹ, anh chị em trong gia đình... là nội dung chính của 3.274 lá thư của phạm nhân Trại giam An Phước trong gần một năm qua - Đại tá Phan Đình Hoàn, Giám thị Trại giam An Phước, cho biết.

Phạm nhân cùng mẹ đọc thư “Gửi lời xin lỗi” ở Trại giam Thủ Đức. Ảnh: V.T.C
Phạm nhân cùng mẹ đọc thư “Gửi lời xin lỗi” ở Trại giam Thủ Đức. Ảnh: V.T.C

Theo chủ trương của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp về việc tổ chức cho phạm nhân, trại viên viết thư “Gửi lời xin lỗi”, Trại giam An Phước đã phát động phạm nhân tham gia viết thư. Sau bao đêm dài trằn trọc, ray rức, các phạm nhân đã nói lên những lời xin lỗi chân thành.

Trong thư gửi lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, phạm nhân Phan Xuân Luận viết: “... Tôi đã phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng một hình phạt 25 năm tù, một cuộc sống mất tự do và gieo vào đời sống của bố mẹ, anh em, vợ con tôi một vết nhơ khó lòng gột rửa, làm cho những người thân yêu của tôi cảm thấy hổ thẹn với mọi người... 

Hôm nay tôi viết lá thư này gửi đến Ban lãnh đạo, thành tâm xin lỗi về những gì tôi đã gây ra cho Cục Thuế TPHCM nói chung và cá nhân các vị lãnh đạo nói riêng. 

Tôi đã nhận rõ tội lỗi, thành khẩn hối cải, không ngừng học tập cải tạo tiến bộ. Tôi xin hứa sẽ nhờ gia đình cố gắng khắc phục hậu quả cho Cục thuế trong thời gian sớm nhất có thể. 

Tôi sẽ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi quý lãnh đạo Cục Thuế bớt chút thời gian đọc lá thư này và nhìn nhận tôi với cái nhìn rộng lượng, tha thứ cho kẻ tội phạm đã biết ăn năn hối cải”.

“Bác ơi! Chỉ vì một phút nông nổi, không kìm chế được bản thân trong cuộc nhậu, con đã gây ra cho gia đình bác, vợ con anh Huy một nỗi đau mất mát quá lớn mà không gì có thể bù đắp được...”. Đó là lời mở đầu lá thư phạm nhân Trương Lạc Huy gửi ông Phạm Trung Dũng ở phường 5 (quận 8, TPHCM). 

“Con tha thiết mong muốn được cúi đầu trước từng người, từng người trong gia đình bác để nói một lời xin lỗi. Dù biết tội lỗi của con khó có thể nào được tha thứ; lương tâm con giày vò, ray rứt mà không biết mình phải làm như thế nào. Và thật may mắn đúng lúc Ban giám thị tổ chức phát động cho phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” đã cho con sự can đảm và nghị lực, để cho con được có sự tự tin cầm bút viết nên lời xin lỗi gửi đến gia đình bác...”.

Để những lá thư đầy hối hận của phạm nhân đến được với người nhận thư, trại thành lập 4 tổ công tác và phối hợp với Cục Giáo dục, cải tạo và hòa nhập cộng đồng thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an (viết tắt GDCT) thường trực tại TPHCM, Phòng GDCT, công an các tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, trực tiếp đến tiếp xúc với người bị hại, thân nhân người bị hại, các cơ quan tổ chức và thân nhân gia đình phạm nhân. 

Các tổ công tác đã tiếp xúc được 28 đối tượng nhận thư. Số thư còn lại gởi qua đường bưu điện. Tất cả họ đều đã nhận được thư “Gửi lời xin lỗi” của phạm nhân.

Qua tiếp xúc, tuy cảm nhận của mỗi người nhận thư khác nhau, đặc biệt là một số người bị hại và thân nhân bị hại, khi mới gặp họ rất bức xúc vì nhớ lại nỗi đau trước đó do phạm nhân gây ra, nhưng được tổ công tác phân tích, thuyết phục nên họ đã cảm thông, tha thứ cho phạm nhân. 

Những người nhận thư đều hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc tổ chức cho phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi”, nên tất cả đều tỏ thái độ cảm thông, rộng lòng tha thứ cho những lỗi lầm của phạm nhân.

Tổ công tác Cục GDCT thường trực phía Nam đã tiếp xúc với ông Lê Xuân Dương - Cục phó Cục Thuế TPHCM, cơ quan trước đây đã bị phạm nhân Phan Xuân Luận lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ tiền thuế VAT, án phạt 25 năm.

Ông Dương cho biết, lãnh đạo Cục Thuế thành phố đã nhận được thư của phạm nhân Luận. Luận xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, trước khi phạm tội là một đảng viên, do vậy lãnh đạo Cục Thuế cũng rất thông cảm và tha thứ cho tội lỗi của Luận. 

Đồng chí Cục trưởng đã chỉ đạo phòng tổ chức cán bộ viết thư hồi âm cho Luận và thông báo cho toàn thể CBCNV biết để rút kinh nghiệm trong công tác. Lãnh đạo Cục Thuế cũng chuyển lời thăm hỏi, động viên phạm nhân Luận cải tạo tiến bộ để sớm đoàn tụ gia đình.

Là người bị hại trong vụ cố ý gây thương tích do phạm nhân Nguyễn Hữu Tài (Tèo) bị án phạt 3 năm 6 tháng gây ra, anh Nguyễn Xuân Thành (thường trú phường Thạnh Xuân, Quận 12, TPHCM) cho biết: 

“Lúc nhận được thư tôi cũng bất ngờ, nhưng sau khi tiếp xúc với tổ công tác tôi đã hiểu mục đích, ý nghĩa của lá thư mà trại đã phát động trong phạm nhân. 

Là một giáo viên (Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu, Quận 12) tôi hiểu rõ ý nghĩa nhân văn, tính nhân đạo của Nhà nước đối với những người đã lầm đường, lạc lối, nên rất đồng tình với chủ trương này. 

Đối với phạm nhân Tài, tôi hoàn toàn thông cảm và bỏ qua tội lỗi mà Tài đã gây ra. Hoàn cảnh gia đình Tài cũng rất khó khăn, nhưng gia đình cũng đã bồi thường tiền điều trị thương tích cho tôi, vì vậy ngay tại phiên tòa xét xử tôi cũng đã xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Tài, mong Tài cải tạo tiến bộ để sớm trở về với gia đình”.

Vượt quãng đường dài trên 100 km, tổ công tác đến với gia đình ông Nguyễn Đình Khương (ở ấp Cẩm An, Cẩm Giang, Gò Dầu, Tây Ninh), là cha của bị hại trong vụ án giết người do phạm nhân Lê Nhật Nam, bị án phạt 9 năm tù gây ra. 

Ông Khương rất bức xúc vì con ông đã chết, vụ án xét xử đã lâu mà gia đình phạm nhân Nam cũng như các gia đình khác trong vụ án chưa một lần đến xin lỗi, thăm hỏi, đến nay vẫn chưa bồi thường đồng nào. 

Sau khi được tổ công tác cùng đại diện chính quyền địa phương động viên, thuyết phục, ông Khương đã đồng ý tha lỗi cho phạm nhân Nam, nhắn lời khuyên nhủ phạm nhân Nam cố gắng tích cực cải tạo tiến bộ, để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.

Đặc biệt gia đình ông Phạm Trung Dũng đã tha thứ tội lỗi cho phạm nhân Huy và sẵn lòng bỏ qua số tiền bồi thường còn lại, nếu gia đình Huy đến gặp gỡ nói chuyện với ông bà.

Đối với những phạm nhân viết thư xin lỗi, hầu hết đều có cùng một tâm trạng và suy nghĩ đó là đợt phát động viết thư của trại đã tiếp thêm sự tự tin, giúp họ vượt qua được sự tự ti, mặc cảm về tội lỗi của mình. 

Đại tá Phan Đình Hoàn cho rằng, từ tấm lòng vị tha, các tổ chức, cá nhân bị hại, thân nhân bị hại và gia đình đã mở rộng vòng tay nhân ái, cảm thông tha thứ cho những con người lầm lỗi, tiếp tục động viên an ủi, giúp phạm nhân tự tin vững bước trên con đường hoàn lương cho tương lai, là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo congan.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ