3 giờ đồng hồ - 14 xe chở lợn béo xuất sang Trung Quốc

Trong khi người nuôi heo đang phấn khởi vì loại lợn “siêu mỡ” có đầu ra, thì các chuyên gia kinh tế lại lo ngại vì chúng ta có quá nhiều bài học thiệt hại về việc thương lái Trung Quốc thu mua nông sản và các loại hàng hóa khác.

3 giờ đồng hồ - 14 xe chở lợn béo xuất sang Trung Quốc

Thông tin trên Infonet, tại cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu Tết Nguyên đán 2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương ngày 18/12, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đối với các sản phẩm chăn nuôi, trong 11 tháng đầu năm 2015 có xu hướng giảm nhẹ.

Giá lợn hơi liên tục giảm từ mức 46.000-51.000 đồng/kg xuống còn 40.000-44.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp lông giảm từ 35.000-37.000 xuống còn 24.000-25.000 đồng/kg; giá trứng gia cầm khi tăng mạnh vào cuối tháng 7 và 8 thì nay cũng giảm.

Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi vẫn có lãi nên đang tích cực tái đàn phục vụ vào dịp Tết sắp tới.

Dù vậy, ông Chinh lưu ý về tình hình xuất lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc: “Lên Cao Bằng, ngồi quan sát trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tôi thấy có 14 xe chở lợn béo xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Theo ông Chinh, việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch này giúp nông dân bán sản phẩm với giá cao, nhưng do không được đưa vào con số thống kê nên cần lưu ý để chỉ đạo, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu mua thịt lợn tăng cao.

Trước đó, thông tin trên báo Dân Việt, ngày 27/11, ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Sở này đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế, Phòng NNPTNT các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra, nắm thông tin về việc thương lái Trung Quốc thu mua lợn có lượng mỡ nhiều để xuất sang nước này, nhằm báo cáo về Sở để có hướng xử lý kịp thời.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh này, thời gian gần đây có thương lái từ xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp xuống phối hợp với thương lái địa phương thu mua lợn của các hộ chăn nuôi. Lợn được thu gom từ các nơi về đầu mối ở tỉnh Đồng Tháp, sau đó chuyển ra Hà Nội để xuất sang Trung Quốc.

“Do các tay thương lái bỏ vài trăm ngàn đồng chi cho người dẫn đường (làm cò) để vào các vùng nông thôn tìm mua lợn nhiều mỡ, nên có nhiều người tham gia” – một cán bộ Thanh tra nông nghiệp tỉnh Cà Mau thông tin.

Một số hộ nuôi cho biết, thường thì những con lợn có trọng lượng lớn, mỡ nhiều, ít nạc rất khó bán, vì thị trường tiêu thụ kém. Nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây loại lợn hơi này lại hút hàng đến thế. “Hồi đầu năm, tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái bán đàn lợn (4 con, mỗi con trọng lượng hơn 100 kg), còn vừa rồi thương lái vào tận chuồng mua, với giá ngang bằng heo chất lượng tốt (từ 3,3-3,4 triệu đồng/100 kg) – Chị Nguyễn Thị Tiên ở huyện Cái Nước cho biết.

3 giờ đồng hồ - 14 xe chở lợn béo xuất sang Trung Quốc - Ảnh 1

“Lên Cao Bằng, ngồi quan sát trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tôi thấy có 14 xe chở lợn béo xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết. (Ảnh minh họa).

Cẩn trọng...

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã phát đi văn bản cảnh báo, khuyến cáo người nuôi thân trọng trước việc này.

Văn bản nêu rõ: Ở góc độ ngươi dân, thương lái thu mua lợn giúp đầu ra dễ tiêu thụ, giá lợn tăng, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên thị trường Trung Quốc rất bất thường và việc làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng nên dễ bị động.

Tình trạng thu mua này dẫn đến thị trường cung cầu không ổn định, khi lợn được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm sẽ gây cơn sốt giá thực phẩm và nguồn cung sụt giảm. 

Khi thương lái ngừng thu mua, giá lợn hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ. Trong khi thị trường trong nước những năm gần đây có xu hướng thích tiêu dùng loại lợn có tỷ lệ nạc cao, tỷ lệ mỡ ít và trọng lượng dưới 100kg. 

Điều này phù hợp với xu hướng chăn nuôi thế giới. Vì vậy việc thu mua này có thể là hành vi phá hoại kinh tế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người chăn nuôi.

Thông tin trên báo VnEconomy, Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đây không phải lần đầu tiên thương lái Trung Quốc thu mua lợn mỡ ồ ạt từ Việt Nam. 

Ở góc độ người chăn nuôi thì sẽ thấy mừng, vì nhờ thương lái mua thịt lợn đem xuất sang Trung Quốc đã giúp đầu ra dễ tiêu thụ sản phẩm, giá lợn tăng giúp nông dân có lãi.

Tuy vậy, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cảnh báo: thị trường Trung Quốc rất thất thường, có lúc họ nhập ồ ạt rồi lại dừng.

Thương lái Việt Nam làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng, nên dễ bị động. Việc thu mua này dễ khiến cung - cầu không ổn định, có thể lặp lại tình trạng giống như các năm 2010, 2011, 2013.

Khi đó, lợn thịt được thu gom ồ ạt để xuất khẩu sang Trung Quốc vào dịp cuối năm, gây nên cơn sốt giá thực phẩm trong nước khi nguồn cung sụt giảm. Sau đó, khi họ ngừng thu gom, thì giá lợn hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi thua lỗ.

Vì vậy, chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đề nghị các tỉnh điều tiết việc xuất khẩu ồ ạt thịt lợn, đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi lợn và các sản phẩm gia cầm bổ sung để đảm bảo bình ổn thị trường cuối năm.

Ông Trọng nêu vấn đề, thương lái thu gom để xuất đi chủ yếu là loại lợn có tỷ lệ mỡ cao, trọng lượng vượt quá 100 kg. Trong khi thông thường tiêu thụ trong nước những năm gần đây xu hướng thích tiêu dùng loại lợn có tỷ lệ nạc cao, tỷ lệ mỡ thấp và trọng lượng dưới 100 kg, điều này phù hợp với xu thế chăn nuôi trên thế giới.

Người dân các tỉnh phía Nam của Trung Quốc có sở thích trái ăn thịt kho, thịt quay chứa nhiều mỡ, nên loại lợn mỡ lại hút hàng. Thương nhân Trung Quốc thích mua lợn trên 100 kg còn là vì lợn lớn khi mổ thịt sẽ đạt tỷ lệ thịt xẻ cao, lãi hơn kinh doanh loại lợn có trọng lượng nhỏ.

Theo Cục Chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ lợn mỡ trong nước không cao, do đó, nếu phía Trung Quốc ngừng nhập thì người chăn nuôi sẽ chịu thiệt thòi lớn. Họ có thể mua lợn mỡ ào ào với giá cao rồi không mua nữa thì người nông dân phải bán những con lợn hàng trăm kg như vậy với giá bèo bọt.

Về phía Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi thu gom lương thực, thực phẩm để xuất khẩu, làm phát sinh nguy cơ gây mất cân đối cung - cầu ở thị trường trong nước, đặc biệt với mặt hàng thịt lợn.

“Chúng tôi đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương kịp thời có những biện pháp khuyến cáo nông dân chăn nuôi ổn định, không để bị thiệt hại nặng trong trường hợp Trung Quốc ngừng thu mua bất ngờ”, bà Lan nói.

Rủi ro khó lường

Tại một hội thảo mới đây về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, TS Phạm Quang Diệu, chuyên gia về số liệu thống kê các ngành hàng nông sản, cho biết câu hỏi “Khi nào Trung Quốc gom hàng?” là vấn đề lớn nhất vì tác động mạnh đến thị trường nội địa. 

Theo ông, nhờ vị trí giáp Trung Quốc mà Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường khổng lồ này nhưng rủi ro hết sức khó lường. 

Thương mại tiểu ngạch giúp tiêu thụ nhiều mặt hàng cho Việt Nam nhưng kéo theo hệ lụy của “bẫy giá” hay các rủi ro về thanh toán và biến động thất thường do hiện tượng “cấm biên” xảy ra.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ