20 năm “truyền lửa” đam mê

GD&TĐ - Nghề giáo giống như nghề truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa. Cô Vũ Thị Điệp, giáo viên Trường THPT Lương Tài 1 - Bắc Ninh là một nhà giáo như thế. 

Cô Điệp luôn coi trọng việc “giữ lửa, truyền cảm hứng”
Cô Điệp luôn coi trọng việc “giữ lửa, truyền cảm hứng”

Được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, được phụ huynh và các em học sinh yêu mến, cô còn được cho là “mát tay” khi bồi dưỡng được nhiều thế hệ học sinh giỏi giành giải cao ở các cuộc thi.

“Say” chuyên môn

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là giáo viên dạy Văn, từ nhỏ những câu ca dao, những bài thơ qua giọng đọc của bố đã thấm đượm vào tâm hồn cô bé Điệp… Sau khi học xong THPT, ấp ủ ước mơ làm cô giáo, Điệp quyết định thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, khoa Ngữ văn. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, năm 1999, cô tốt nghiệp đại học và được phân công công tác tại Trường THPT Gia Bình 1. Một năm sau, cô chuyển công tác về Trường THPT Lương Tài 1 và giảng dạy cho đến nay.

Cô Điệp chia sẻ, với cô dạy học là một công việc và đã lao động thì phải có thành quả. Cô chưa bao giờ coi đây là một công việc nhẹ nhàng… Những ngày đầu làm quen với phấn trắng, bảng đen, làm quen khi được gọi là cô giáo, tham gia chủ nhiệm lớp, là những kỉ niệm không bao giờ quên với cô. Cô kể, dù đã chuẩn bị thật tốt kiến thức trong những năm học đại học nhưng bước vào nghề cô vẫn cảm thấy lo lắng, trăn trở. Dạy Văn như thế nào, làm thế nào để học sinh yêu thích môn Văn? Từ trăn trở ấy, cô không ngừng nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, dự giờ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn.

Dạy học giống như “làm dâu trăm họ”, cố gắng để trở thành một người “dâu hiền” trong sự đòi hỏi khắt khe của giáo dục đâu phải chuyện dễ. Điều cô Điệp quan tâm đầu tiên khi giảng dạy, đó là tâm lí, khát vọng của học trò, hoàn cảnh sống của từng em. Từ đó, cô định hướng mình sẽ dạy gì, dạy thế nào với học sinh. Tùy vào mỗi học sinh cô có cách giảng dạy riêng và truyền cho các em đam mê với văn chương. Cô tự hào vì không chỉ học sinh chuyên Văn, mà ngay cả những học sinh khối tự nhiên cũng rất hạnh phúc khi được học cô.

Cô Nguyễn Thị Hòa - đồng nghiệp cùng trường chia sẻ: “Về chuyên môn, cô Điệp có kiến thức vững vàng, luôn cầu tiến, học hỏi, chắt lọc và có chất văn riêng. Với đồng nghiệp, cô Điệp là người hòa nhã, gần gũi, biết quan tâm, giúp đỡ.

20 năm công tác, cô Vũ Thị Điệp luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên có thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng HSG. Trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh của cô 2 năm liền đạt ngôi vị cao nhất trong cuộc thi HSG cấp tỉnh môn Ngữ văn. Nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học top đầu…

Truyền cảm hứng

Cùng với việc dạy chữ, cô Điệp rất quan tâm đến việc dạy người. Cô luôn giáo dục học sinh về ý chí, nghị lực, niềm tin, lòng bao dung, nhân hậu. Vì thế mà học sinh ưu ái gọi cô với cái tên thân thương “U Điệp”. Giờ Văn của cô luôn được học trò đón nhận với tinh thần hào hứng, sôi nổi. Với cô, học trò luôn là trung tâm của việc giảng dạy. 45 phút ngắn ngủi nhưng cô luôn có những phương pháp giảng dạy thật thú vị. Khi thấy học trò có vẻ uể oải, cô lại lồng vào bài học vài mẩu truyện cười, không khí trong lớp liền hào hứng trở lại. Hay có khi cô đưa vào chính tiết giảng những bài học về cuộc sống thật sâu sắc, đến nhiều năm sau học trò vẫn còn thấm thía câu chuyện cô kể. Và vì thế mà học trò cũng yêu Văn, yêu những tiết học của cô hơn.

Cô Điệp rất tâm đắc câu nói của William A.Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Từ đó, cô luôn coi việc “giữ lửa, truyền cảm hứng” là vấn đề quan trọng nhất trong giảng dạy. Em Nguyễn Hà Chi - học sinh lớp 12D1 chia sẻ: “U Điệp là một cô giáo thật đặc biệt. Cô có cách giảng rất thu hút, dạy bọn em kiến thức về đời sống hay hơn trong sách vở rất nhiều. Cô luôn mong cho chúng em có được nhiều trải nghiệm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ