Sáp nhập trường lớp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An: Trường than “bất cập”, huyện nói “cứ triển khai”

Sáp nhập trường lớp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An: Trường than “bất cập”, huyện nói “cứ triển khai”

Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương sáp nhập đồng cấp, thì huyện Quỳnh Lưu lại sáp nhập tiểu học và THCS.

Quá trình thực hiện, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên chỉ ra những bất cập vướng mắc. Một số địa phương xin hoãn sáp nhập nhưng lãnh đạo huyện cho biết vẫn tiếp tục triển khai theo kế hoạch.

Sáp nhập - chỉ chung cái tên trường

Năm học 2019 - 2020, huyện Quỳnh Lưu đã sáp nhập trường tiểu học và THCS tại 4 xã: Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Mỹ và Ngọc Sơn. Sau một năm hoạt động, lãnh đạo một số trường chỉ ra những bất bập, khó khăn, đặc biệt là trong chỉ đạo, phân công nhiệm vụ chuyên môn. Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Mỹ (xã Quỳnh Mỹ), sau sáp nhập trường có đến 3 điểm trường, điểm lẻ xa nhất cách hơn 5km. Cô Hồ Thị Như - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Mỹ cho biết, mỗi bậc học có một đặc thù riêng về chuyên môn, phân phối chương trình, THCS chỉ học 1 buổi/ngày còn tiểu học là 2 buổi/ngày. Số lớp và học sinh tăng lên trong khi cán bộ quản lý giảm, dẫn đến việc chỉ đạo chuyên môn gặp khó khăn, khó sâu sát. Theo cô Như, việc sáp nhập hiện nay gần như chỉ mang tính chất cơ học, còn chất lượng chưa thể đánh giá.

Xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu) là đơn vị có thuận lợi trong sáp nhập như trường Tiểu học và THCS có vị trí cạnh nhau, không có điểm lẻ, trước đó cả 2 đều đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài chung tên trường thì các hoạt động còn lại đều tách biệt. "Thời gian đầu, chúng tôi cũng sinh hoạt chuyên môn chung. Tuy nhiên, khi khối tiểu học trình bày các vấn đề thì những người ở khối THCS không am hiểu để trao đổi, góp ý và ngược lại. Vì thế, thời gian các cuộc họp vừa kéo dài vừa không đạt hiệu quả cao. Sau đó 1 tháng, khối THCS do tôi phụ trách sinh hoạt chuyên môn riêng, và tương tự như vậy với khối tiểu học", thầy Thành nói.

Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Thuận cũng có 1 năm học xáo trộn đối với cả thầy và trò. Sau khi sáp nhập, bức tường ngăn cách 2 nhà trường trước đó được tháo dỡ để tạo khuôn viên chung rộng rãi. Nhưng thời gian biểu mỗi cấp học khác nhau, THCS ra chơi theo tiết còn tiểu học nghỉ giữa giờ. Điều này dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất tập trung trong dạy học. Thầy Trần Văn Huyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Thuận thừa nhận tình trạng "một ngôi trường 2 tiếng trống", khi mới thực hiện, học sinh còn nhầm lẫn nhưng nay đã cải thiện hơn.

Sáp nhập trường lớp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An: Trường than “bất cập”, huyện nói “cứ triển khai” ảnh 1
1. Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Băn khoăn tính ổn định, lâu dài

"Kế hoạch sáp nhập trường tiểu học và THCS huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2019 – 2021" của UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhằm giảm số đơn vị giáo dục, giảm biên chế quản lý, nhân viên phục vụ. Đồng thời sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên như: Tổng phụ trách Đội, tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Nhưng trên thực tế, lãnh đạo nhiều trường đã sáp nhập cho biết, đội ngũ giáo viên của 2 khối vẫn thực hiện nhiệm vụ riêng biệt và không hỗ trợ nhiều trong chuyên môn.

Dù vậy, lộ trình năm học 2020 - 2021, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch sáp nhập tại 7 xã. Theo đó, sáp nhập trường tiểu học và THCS theo mô hình trường PTCS tại các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Tam, Quỳnh Long; tách Trường THCS Minh – Lương, THCS Bá - Ngọc để sáp nhập với các trường: Tiểu học Quỳnh Minh, Tiểu học Quỳnh Lương, Tiểu học Quỳnh Ngọc và Tiểu học Quỳnh Bá thành các trường liên cấp. Sáp nhập Trường Tiểu học Quỳnh Thắng A và Trường Tiểu học Quỳnh Thắng B thành Trường Tiểu học Quỳnh Thắng.

Thời gian qua, một số địa phương có ý kiến xin UBND huyện Quỳnh Lưu hoãn sáp nhập để bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, UBND xã Quỳnh Thạch đã có 2 lần làm tờ trình gửi UBND huyện Quỳnh Lưu về nội dung trên. Cụ thể, hiện xã Quỳnh Thạch có 2 trường với 36 lớp (tiểu học 22 lớp, THCS 14 lớp) với gần 1.300 học sinh. Quy mô phát triển trường lớp trong 5 năm tới đều tăng dần, đến năm 2024 - 2025 sẽ có 44 lớp cả tiểu học và THCS. Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, còn trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Khoảng cách địa lý giữa 2 trường khá xa, đi qua ngã tư đường Quốc lộ 1A. Nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, sinh hoạt chuyên môn giữa 2 bậc học.

Sáp nhập trường lớp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An: Trường than “bất cập”, huyện nói “cứ triển khai” ảnh 2
Tờ trình xin hoãn sáp nhập của UBND xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu.

Cô Đỗ Thị Hưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Thạch cũng bày tỏ lo ngại trước kế hoạch sáp nhập trường vào năm học 2020 - 2021, cũng là thời điểm bắt đầu thay SGK lớp 1. Theo cô Hưởng, đây là giai đoạn cần tập trung chuyên môn nhất, nhưng hiện cán bộ, giáo viên lại phải đối mặt với sự xáo trộn trong tổ chức, cơ cấu trường lớp.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có quy mô trường lớp lớn, dự báo tăng dần đều trong 5 năm tới, thậm chí vượt quá quy định 45 lớp/trường sau sáp nhập. Cụ thể, đến năm 2023 - 2024 xã Quỳnh Tam sẽ có 46 lớp (15 lớp THCS và 31 lớp tiểu học), còn xã Quỳnh Long lên đến 53 lớp (16 lớp THCS và 37 lớp tiểu học).

Một số cán bộ, nhà giáo tại Quỳnh Lưu cũng cho rằng, nếu bất chấp sáp nhập các trường có quy mô lớn là không hợp lý. Thậm chí đi ngược chủ trương của Bộ GD&ĐT và HĐND tỉnh là "chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã, các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp". Khi quy mô trường tiểu học và THCS của các địa phương này vượt quá 45 lớp theo quy định, liệu có nguy cơ chia tách nữa hay không? Hoặc trong tương lai khi sáp nhập xã phường, thì có duy trì bền vững mô hình trường phổ thông liên cấp.

"Không bàn nữa, chỉ triển khai"

Ông Võ Minh Kỳ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trao đổi, kế hoạch việc sáp nhập các trường học tại Quỳnh Lưu dựa trên chỉ tiêu của UBND tỉnh đặt ra đến năm học 2020 - 2021 giảm ít nhất 10% đầu mối ngành Giáo dục. Hiện Quỳnh Lưu đã sáp nhập hết các trường học có quy mô nhỏ nên sẽ tiếp tục thực hiện đối với đơn vị lớn hơn. Dù vậy, ông Võ Minh Kỳ cũng cho rằng, để sáp nhập trường có tính ổn định và hiệu quả, cần tiến hành sáp nhập xã, phường trước.

Còn ông Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An khẳng định, trước khi thực hiện sáp nhập trường tiểu học và THCS trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện khảo sát chất lượng tại các địa phương. Kế hoạch sáp nhập đã được tỉnh và huyện thông qua. Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng cho rằng, dự báo quy mô trường lớp của các xã trong tương lai cũng chỉ mang tính chất tương đối, thực tế có thể thay đổi. "Vì vậy thời điểm này không bàn đến việc sáp nhập nữa mà chỉ triển khai", ông Hồ Ngọc Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ cúng rừng Nà Hẩu vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Độc đáo 'Tết rừng' Nà Hẩu

GD&TĐ - Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, Yên Bái) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ảnh chụp từ trailer.

Thưởng thức kịch 'Dưới bóng giai nhân'

GD&TĐ - Nhà hát Kịch Idecaf tiếp tục công diễn vở “Dưới bóng giai nhân” (tác giả - đạo diễn: Quang Thảo) lúc 19 giờ 30 ngày 19/1 tại Nhà hát Bến Thành.

Làm trắng răng bằng cách chà mặt trong của vỏ chuối lên hàm răng mới đánh sạch trong khoảng 2 phút mỗi ngày. (Ảnh: ITN).

Bất ngờ công dụng của vỏ chuối

GD&TĐ - Vỏ chuối có rất nhiều công dụng mà có thể bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Bài viết này chia sẻ với bạn những cách tận dụng vỏ chuối vô cùng thông minh.

Học sinh tham gia hoạt động mừng xuân trước kỳ nghỉ Tết. Ảnh: L.T.

Ngóng Tết

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, tuần học giáp Tết Nguyên đán, giáo viên luôn nhận được những câu hỏi xoay quanh thời gian nghỉ Tết của học trò.