Giáo sư “quần đùi” ra mắt sách “Cha Voi”

GD&TĐ - GS Trương Nguyện Thành - người được biết đến với biệt danh “giáo sư quần đùi” vừa ra mắt cuốn sách về nuôi dạy con. Cuốn sách có tựa Cha Voi do Saigon Books và NXB Tổng hợp phát hành. Cuốn sách trả lời vấn đề nhức nhối của việc dạy con hiện nay là làm thế nào để con sẽ sống thành công và hạnh phúc khi không có cha mẹ bên cạnh.

"Cha Voi" ra  mắt  độc giả
"Cha Voi" ra mắt độc giả

"Cha Voi" không phải cẩm nang tập hợp những phương thức, kỹ năng giáo dục con cái thế nào để đạt hiệu quả thần tốc, mà là câu chuyện của chính tác giả trong quá trình nuôi dưỡng, dạy dỗ và chiêm nghiệm cách giúp con cái trưởng thành cũng như trưởng thành cùng con cái của mình.

Theo chia sẻ của GS Trương Nguyện Thành, ông in cuốn sách bởi xuất phát từ những băn khoăn về cách dạy con, những ước mong các con hạnh phúc, bình an, vững vàng của nhiều bậc cha mẹ. Ông muốn chia sẻ những thông tin hữu ích về cách giáo dục con một cách sinh động.

Quá trình giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước đã giúp tác giả phát hiện ra những vấn đề rắc rối của sinh viên. Nguồn gốc vấn đề nằm ở cách dạy con của cha mẹ, và cách giải quyết lẽ ra phải được dạy từ nhỏ chứ không phải trên giảng đường.

Tác giả “Cha Voi” đã dẫn dắt người đọc đi từ góc độ giáo dục truyền thống đến những thách thức trong thời đại 4.0 của việc dạy bảo con cái và đưa ra những góc nhìn cũng như lời khuyên và nhận định dựa trên thực nghiệm.

Thực nghiệm đó bắt đầu từ những bài học hữu ích mà GS Trương Nguyện Thành được ông nội và người cha hướng dẫn từ ngày thơ bé đến chính kinh nghiệm thực tiễn của tác giả trong việc nuôi dạy con trai mình.

GS Trương Nguyện Thành ký tặng "Cha Voi" cho người hâm mộ
 GS Trương Nguyện Thành ký tặng "Cha Voi" cho người hâm mộ

Ông có hai con trai là Taki và Takara; trong đó, Taki là trẻ tự kỷ. Chính vì vậy mà hành trình làm cha của ông cũng nhiều gian nan hơn khi Taki sống trầm lặng trong thế giới riêng của mình, không thích tiếp xúc, không có khả năng hiểu cảm xúc hoặc tương tác mà thường hành động theo bản năng.

Cha mẹ thời xưa không bị áp lực năng nề về việc nuôi dạy con và trẻ em cũng không chịu nhiều áp lực về việc học hành. Nhưng trong thời đại số, dưới tác động của công nghệ, trẻ em dễ rơi vào tình trạng thiếu ngủ, kém tập trung; thiếu kiên trì; không biết mình là ai, chẳng rõ mình muốn gì; mất cân bằng trong phát triển tâm sinh lý; có nguy cơ béo phì.

Thách thức của các bậc cha mẹ hiện đại là thường bận rộn vì công việc nên ít có thời gian dành cho con. Nhiều gia đình khuyết nhiều bậc cha mẹ lại chạy đua đầu tư giáo dục, bắt con trẻ học hành quá sức,... Những điều kiện đó khiến trẻ em không có không gian để phát triển lành mạnh, không nhận được sự quan tâm và giáo dưỡng phù hợp, kịp thời.

Chia sẻ ba nguyên tắc ứng xử của vợ chồng mình về việc dạy con, GS Thành nhấn mạnh: Bố hoặc mẹ không nói xấu người kia trước mặt con, không mua quà đắt tiền nếu như không có sự đồng ý của người kia và không bao giờ để con dùng người này “chiếu tướng” người kia.

Từ đó, tác giả rút ra một số tính cách, kỹ năng và cơ hội mà cha mẹ cần trang bị cho con cái để chúng có thể thành công và hạnh phúc trong thời đại số 4.0. Bao gồm: Kỹ năng: độc lập trong suy nghĩ, hành động và trong cuộc sống, có khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống; Tính cách: tư duy cầu tiến (growth mindset), ham học hỏi, kiên trì, sáng tạo và có khả năng kháng bại; Nhân cách: sống trung thực, có khả năng thấu cảm và có ý thức cộng đồng, sống làm người có giá trị với chính bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội và Cơ hội: Có cơ hội sống với đam mê và phát huy được tiềm năng của bản thân.

Theo GS Trương Nguyện Thành, để trao truyền được cho con những điều ấy, cha mẹ trước tiên phải biến mình thành tấm gương nói đi đôi với làm để con cái noi theo.

Bên cạnh đó cha mẹ cũng phải biết soạn ra “bài học tình huống cố ý” tạo cho con cơ hội trải nghiệm và thực tập trước khi thực sự đối phó với những khó khăn trong cuộc sống.

GS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961 trong một gia đình đông con tại Bình Định. Ông sang Mỹ du học và giảng dạy tại khoa Hóa học - ĐH Utah (Mỹ) và đã nhận bằng Tiến sĩ Hóa học tại ĐH Minnesota (Mỹ) năm 1990.

Năm 1994, ông được trao giải thưởng của Quỹ Khoa học Quốc gia dành cho những nhà khoa học trẻ tiềm năng nhất Hoa Kỳ. Năm 2002 ông được phong cấp bậc giáo sư cao nhất ở Mỹ.

GS Trương Nguyện Thành đã có gần 200 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế, hai bằng phát minh, từng làm phó hiệu trưởng điều hành ĐH Hoa Sen; Tháng 6 năm nay, cùng thời điểm ra mắt “Cha Voi”, ông được bổ nhiệm vị trí Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ