Độc đáo thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp

GD&TĐ - Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km, làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm, hình thành từ thế kỷ thứ 10. Cho tới nay, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á.

Nữ nghệ nhân Chăm đang dệt thổ cẩm
Nữ nghệ nhân Chăm đang dệt thổ cẩm

Mẹ truyền con nối

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp dẫu trải qua bao thế kỷ vẫn lưu giữ nguyên vẹn các công đoạn thao tác thủ công từ xa xưa, không có sự hỗ trợ của máy móc. Từ đời này sang đời khác, những người phụ nữ Chăm đôn hậu, cần mẫn, chăm chỉ ngồi hàng giờ trước khung cửi, luồn từng sợi chỉ dệt nên những tấm thổ cẩm đủ sắc màu rực rỡ.

Theo lời kể của các nghệ nhân thì ban đầu, sản phẩm thổ cẩm được dệt ra chủ yếu dùng vào việc làm trang phục cho người quá cố và cá nhân của từng gia đình, cộng đồng. Nguyên liệu chính để dệt nên thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp là cây bông vải được trồng nhiều ở địa phương. Quy trình làm nên một tấm thổ cẩm Mỹ Nghiệp phải trải qua nhiều công đoạn: bông sau khi thu hoạch về được tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh bóng, phơi… Trong đó, khâu nhuộm đặc biệt quan trọng, đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều kinh nghiệm và khả năng thẩm mỹ cao để tìm kiếm màu, pha màu sao cho vừa hài hòa vừa giữ được độ bền của màu sắc.

Thổ cẩm nói chung và thổ cẩm Mỹ Nghiệp nói riêng đều chọn màu đen làm màu chủ đạo, màu nền cho tấm thổ cẩm. Theo những nghệ nhân làng nghề thì để có màu đen này, tơ được nhuộm bằng lá cây chùm bầu, sau đó đem ngâm với bùn non trong suốt 7 ngày đêm. Để tạo ra màu đỏ, các nghệ nhân phải tìm mủ cây cánh kiến ở trên rừng, muốn có màu xanh thì chọn lá, vỏ cây chàm v.v. Tất cả các màu dệt nên tấm thổ cẩm đều được lấy từ các loại lá, vỏ cây rừng trong tự nhiên.

Một nghệ nhân chia sẻ, để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, bền đẹp, toát lên được những tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Chăm Mỹ Nghiệp.

Thổ cẩm thô truyền thống
Thổ cẩm thô truyền thống

Đa dạng sản phẩm

Hiện nay làng nghề Mỹ Nghiệp có khoảng hơn 700 hộ với gần 4.000 nhân khẩu gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong đó có khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Đa phần những người thợ lành nghề của làng đều là những người gắn bó lâu năm với khung dệt, kỹ thuật thành thục và đầy cảm hứng sáng tạo. Họ là những người có khiếu thẩm mỹ chuẩn về màu sắc, đường nét, hình khối và khả năng dệt ra được những tấm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, độc đáo.

Bên cạnh những hoa văn cổ mang tính truyền thống, thể hiện sự sang trọng, quý phái như hoa văn thần đèn, thần Siva, rồng cách điệu… ngày nay những người nghệ nhân làng nghề còn sáng tạo ra những hoa văn mới lạ khác nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc của văn hóa Chăm. Họ được ví như những họa sĩ thực thụ đang từng sáng tạo ra những bức tranh thổ cẩm tuyệt sắc.

Chính cá tính sáng tạo đầy ngẫu hứng, không bị gò vào bất kì khuôn mẫu có sẵn của nữ nghệ nhân đã tạo ra sự phong phú, độc đáo cho thổ cẩm Mỹ Nghiệp, đem lại cho du khách những cảm nhận thú vị khi đứng trước hàng ngàn tấm thổ cẩm nhưng không tấm nào giống tấm nào.

Ngày nay để đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và sự ưa chuộng của khách hàng trong và ngoài nước, làng nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã và đang đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mẫu mã vừa phong phú, vừa mang đậm bản sắc văn hóa Chăm truyền thống.

Ngoài những tấm thổ cẩm thô, nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp còn sáng tạo ra những mẫu mã cho các sản phẩm túi xách, ví, ba lô, áo ghi lê, váy, mũ, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường… để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công việc cắt, may từ những tấm thổ cẩm thô, để tạo nên những sản phẩm vừa kể trên là công việc dành cho những người đàn ông của làng nghề.

Những sản phẩm được làm từ thổ cẩm truyền thống

Những sản phẩm được làm từ thổ cẩm truyền thống

Nhờ đa dạng hóa sản phẩm, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp bắt đầu hồi sinh và ngày càng phát triển mạnh mẽ, với sự xuất hiện hàng loạt các cơ sở sản xuất được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất.

Tọa lạc ngay giữa trung tâm làng Mỹ Nghiệp hiện nay là Nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề rất khang trang, được chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng. Đây thực sự là nơi bản tồn và phát huy những giá trị của làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc Chăm và cũng là điểm nhấn du lịch rất hấp dẫn với du khách, nhất là du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề. 

Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm của làng nghề được trưng bày tại các cuộc triển lãm, các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ, các hội chợ quốc tế trong nước đã nhận được nhiều giải thưởng lớn và được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường hiện nay, điều khiến những nghệ nhân rất phấn khởi, tự hào là sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã được xuất khẩu qua các quốc gia: Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Malaysia, Singapore…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ