Từ vùng tối định kiến tới vùng sáng thấu hiểu và yêu thương

GD&TĐ - Nhà văn Nam Cao viết trong tác phẩm Lão Hạc: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là nhũng người đáng thương”. 

Từ vùng tối định kiến tới vùng sáng thấu hiểu và yêu thương

Một thông điệp sâu sắc về thực trạng định kiến trong mỗi con người đã truyền cảm hứng cho các học sinh lớp N1K21 trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, Hà Nội bắt tay thực hiện dự án “Vùng tối của định kiến”.

Dự án do gần 40 học sinh được cô giáo Lê Thị Phương và các thầy cô trong tổ Ngữ Văn của trường hướng dẫn và cùng đồng hành với mục tiêu khắc phục định kiến trong cộng đồng đã thu hút được nhiều sự chú ý không chỉ trong trường mà còn đang dần lan toả ra ngoài xã hội.

Nói về cơ duyên thực hiện dự án, cô giáo Lê Thị Phương chia sẻ: “Tôi đã nhen nhóm ý định về dự án này từ khi tôi được thấy một tấm ảnh trên mạng vào năm 2017, tấm ảnh chụp một anh cảnh sát người nước ngoài đang giúp đỡ người dân trong nạn lũ lụt. Tiếc thay, dưới phần comment, rất nhiều cư dân mạng dựa vào tấm ảnh mà chê bai công an, bộ đội nước mình là “chẳng biết giúp đỡ dân”, “chỉ biết ăn tiền rồi ngồi không” hay “nước mình thì chỉ có lãnh đạo mới được bế thôi” thậm chí nhiều ý kiến xử dụng từ ngữ rất nặng nề. Trăn trở về chuyện này, tôi quyết định chiếu tấm ảnh đó lên lớp và hỏi ý kiến của các em học sinh về những comment như vậy.

Đúng như suy nghĩ của tôi, các em thể hiện sự bất bình, không đồng thuận với các ý kiến trên và đặt ra nhiều câu hỏi như “Từ khi nào mà hình ảnh người lính Việt Nam lại bị gắn với những suy nghĩ không tích cực chỉ vì một số trường hợp cá biệt? Từ khi nào chúng ta sẵn sàng quy chụp và bằng lòng với những nhận định phiến diện, vội vã? Từ đó, chúng tôi lên kế hoạch thực hiện dự án “Vùng tối của định kiến”. 

Chúng em không chỉ muốn tuyên truyền dự án trong trường mà còn là ngoài xã hội. Khi nhận thức được vấn đề, mọi người sẽ tự khắc phục bản thân và định kiến sẽ dần bị đẩy lùi chứ không cần ai phải thúc giục và bắt ép họ cả, em tin tưởng vào điều đó.

Chính xác thì định kiến là gì? Định kiến là những ý kiến, nhận xét được đưa ra một cách hoàn toàn chủ quan và thiếu sự suy xét một cách rõ ràng về một sự vật, sự việc. Các ý kiến này hầu như được đưa ra dựa vào một đặc điểm nổi bật của sự vật đó mà quên đi các thành phần còn lại.

Ví dụ, với một thiếu niên mới rời khỏi trường giáo dưỡng, rất khó để cậu được những người xung quanh nhìn bằng con mắt tôn trọng. Điều đó làm cho nhiều người đồng hoàn cảnh như vậy cảm thấy mình không có được một cơ hội để hoàn lương và sửa sai chỉ vì một lần lầm lỡ. Biết bao con người đã từng ở giữa lằn ranh: Lỡ xấu rồi có tốt lại được nữa không như Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao? Hay bản thân không xấu nhưng bị quy chụp một cách phiến diện đã trở nên tha hóa biến chất như anh Mõ trong truyện ngắn Tư cách Mõ? Và một mảnh đời, đã bị hỏng đi, bỏ đi chỉ vì định kiến như thế. Ở ngoài kia sẽ còn bao nhiêu định kiến khác?

Mục đích của cô trò trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa khi thực hiện dự án “Vùng tối của định kiến”, không phải là tuyên truyền xoá bỏ định kiến, bởi đó là một định hướng có phần xa vời, mà là lan toả về vấn đề này để nâng cao nhận thức của mọi người, bởi lẽ, đối với mọi người xung quanh, rõ ràng định kiến không phải là một đề tài nổi trội. Thậm chí, nhiều người định kiến và bị định kiến nhưng không nhận thức được điều đó.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện dự án, các thành viên không ít lần phải lâm vào bế tắc vì hiểu biết của mọi người lại ít hay thậm chí họ không để tâm tới vấn đề này. Nhiều lần phát ra các phiếu khảo sát và bảng hỏi, các thành viên đã thất vọng vì chỉ số người biết về định kiến quá thấp. Con đường tiến đến mục tiêu khắc phục định kiến còn nhiều chướng ngại vật, sở dĩ là vì định kiến đã ăn quá sâu vào cộng đồng chúng ta. 

Nhưng nhờ thế, ngọn lửa trong các thành viên lại càng có cơ hội để toả sáng hơn, giống như ngọn nến chỉ sáng nhất trong căn phòng tối.

Dự án được tổ chức và phân bố công việc một cách khoa học và đảm bảo chất lượng cũng như số lượng sản phẩm. Học sinh được chia thành các nhóm với vai trò là nhà báo, truyền thông, nhà làm phim, làm đồ handmade, nhà thiết kế, hoạ sĩ... “Sự nhập vai sẽ cho các con kinh nghiệm nếu mai sau có thực hiện một dự án hay hoạt động nào khác cho cuộc đời”, cô Phương tiếp tục chia sẻ về tổ chức dự án của mình.

Sản phẩm chính của dự án là phim ngắn, các sản phẩm mĩ thuật như tập san, kẹp sách và sản phẩm handmade như vòng tay. Tập san được học sinh tự tập hợp các bài viết kèm với tranh minh hoạ do thành viên của dự án và các cộng tác viên viết ra về chủ đề định kiến, được dàn trang bằng phần mềm InDesign để đảm bảo phân bố thông tin dễ đọc, không bị nhiều chữ và dễ hiểu. Cũng như với kẹp sách, các sản phẫm mĩ thuật trên poster hoàn toàn do các học sinh nhóm mĩ thuật thực hiện và tuyên truyền quanh khu vực trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa. Tất cả các sản phẩm trên sau đó được nhóm truyền thông đăng tải lên fanpage riêng của dự án để tăng tính lan toả. Ngoài ra, trên fanpage của dự án còn có một hộp thư cho mọi người có thể gửi ẩn danh các vướng mắc và câu chuyện riêng của bản thân để các thành viên có thể trả lời cũng như đưa ra lời khuyên sao cho hợp lý.

Không phụ công cô trò thành viên dự án, dự án nhận được phản hồi tích cực sau nhiều thàng thực hiện. Hai phim ngắn Giá Như và Muộn được khen ngợi nhiều trên mạng xã hội, lượt tương tác nhiều hơn và truyền tải được thông điệp về định kiến đến với nhiều người hơn. Các sản phẩm khác của dự án cũng góp phần trong việc gửi tới mọi người thông điệp “Đừng định kiến”. Ở hai buổi báo cáo dự án tại trường, các em học sinh nhận được nhiều lời động viên tích cực từ các thầy cô.

Từ đó, các em tiếp tục mở rộng phạm vi với những video phỏng vấn không chỉ học sinh trong trường mà còn là những du khách nước ngoài và người dân trong xã hội. Với mục tiêu lớn hơn, các em muốn thay những người bị định kiến kể lại câu chuyện của chính họ.

Bạn đã bao giờ nghĩ rằng bản thân đang vô tình làm tổn thương người khác mà không hề hay biết? Bạn đã bao giờ nhìn lại và nghĩ xem bản thân liệu đã xem xét sự việc một cách rõ ràng hơn hay đã “cố tìm mà hiểu”? Hãy tự nâng cao ý thức của bản thân trước khi định kiến kịp ăn sâu vào nhận thức của chúng ta!

Chia sẻ về tương lai của dự án, em Lê Trà My, trưởng nhóm truyền thông của dự án trả lời: “Chúng em không chỉ muốn tuyên truyền dự án trong trường mà còn là ngoài xã hội. Khi nhận thức được vấn đề, mọi người sẽ tự khắc phục bản thân và định kiến sẽ dần bị đẩy lùi chứ không cần ai phải thúc giục và bắt ép họ cả, em tin tưởng vào điều đó".

Khi được hỏi về hướng phát triển của dự án, bạn Trần Hà Phương, trưởng nhóm Nhà báo hào hứng chia sẻ: Bước tiếp theo của dự án chính là tạo thêm những sản phẩm mang thông điệp để lan toả dự án đến với nhiều người hơn, đồng thời chúng em có dự định đến thăm giao lưu tặng những sản phẩm của dự án cho các bạn học sinh tại trường giáo dưỡng số 2 của Hà Nội vì chúng em được biết số lượng các bạn quay trở lại trường khá nhiều do không chịu đựng được định kiến của mọi người xung quanh và lại tiếp tục sa ngã”.

Nhờ việc thực hiện dự án, học sinh được rèn luyện về các kĩ năng viết qua các buổi training với các tay viết trẻ, nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, kĩ năng phân bố công việc và thời gian, là những điều quan trọng và hành trang cho tương lai của các em. Được biết, dự án chưa kết thúc mà vẫn đang được các thành viên thực hiện với tấm lòng nhiệt huyết và quan tâm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ