(GD&TĐ)- Ngày 10/4, tại đền thờ thầy Chu Văn An (huyện Chí Linh, Hải Dương), Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Hội nghị "Tài năng trẻ" lần thứ nhất nhằm vinh danh các học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập và các giáo viên có thành tích xuất sắc.
Hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo Phạm Trung Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên trường Thăng Long có sáng kiến tổ chức Hội nghị vinh danh các tài năng trẻ nhằm kịp thời động viên khích lệ các học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập. Sự kiện này có ý nghĩa giáo dục đặc biệt khi được tổ chức tại đền thờ Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An; giúp các em hiểu được thân thế sự nghiệp của một người thầy có nhiều công lao cho giáo dục-văn hóa đất Việt.
|
Hội nghị vinh danh các "tài năng trẻ". Ảnh, gdtd.vn |
Tại Hội nghị, Phó hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo Trần Ngọc Năm cho biết: Trường THPT Thăng Long hiện có trên 2000 học sinh và 104 giáo viên. Nhà trường luôn khẳng định là ngôi trường chất lượng cao trong giảng dạy và học tập, đó là kết quả tất yếu của sự say mê nhiệt tình của đội ngũ các thầy cô giáo, sự sôi nổi, hào hứng của các em học sinh tham gia các phong trào thi đua: "Dạy tốt- Học tốt"; "Xây dựng Nhà trường văn hóa- Nhà giáo mẫu mực"; "Xây dựng Trường học thân thiện- Học sinh tích cực" … "Mỗi Thầy cô giáo là một tấm gương sáng, tự học sáng tạo"
Từ năm 2005 đến nay, 87% số học sinh lớp 12 trúng tuyển ĐH-CĐ. Trong đó 27 học sinh đỗ thủ khoa các trường ĐH-CĐ. Trường THPT Thăng Long luôn trong tốp 50 trường có điểm thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ cao nhất toàn quốc.
Về thành tích cá nhân đã có 1 giải HSG Quốc tế môn Sinh học, 19 giải HSG Quốc gia, 351 giải HSG T.P Hà Nội... Các danh hiệu văn thể mỹ của HS nhà trường khá ấn tượng, năm 2010 đạt 2 HCV Vàng - Giải vô địch Taekondo toàn quốc 2010, 1 HCĐ Đại hội TDTT toàn quốc 20101 HC Bạc cúp các CLB mạnh Toàn Quốc.... Nhiều giáo viên nhà trường đã đạt giải nhất và các giải khác trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi Cụm thi đua và cấp Thành Phố.
Tập thể nhà trường luôn là lá cờ đầu của ngành GD, 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Ba lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho đơn vị Lá cờ đầu khối các trường THPT Toàn quốc năm 2008 cùng nhiều danh hiệu khác.
Vinh danh HS xuất sắc nỗ lực vươn lên trong học tập
Tại Hội nghị nhiều học sinh giỏi đặc biệt xuất sắc được tuyên dương đã chia sẻ những kinh nghiệm học tập và phấn đấu vươn lên của mình.
|
Em Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh, gdtd.vn |
Em Nguyễn Quốc Hùng, học sinh lớp 12A4, ba năm liền là học sinh giỏi xuất sắc với điểm trung bình môn trên 9.0, giải nhì frong kì thi học sinh giỏi (HSG) Thành phố lớp 12 cho biết: để đạt được những kết quả tốt trong học tập, trước hết mỗi người cần rèn luyện tính tự giác của bản thân, có thời gian biểu hợp lí. Nhiều bạn thường thức khuya đến 2h, 3h sáng để học, theo em điều đó không đem lại hiệu quả cao nhất vì học quá khuya sẽ tạo cảm giác mệt mỏi, chán nản.
Cần sắp xếp thời gian học tập của mình một cách khoa học, nên phân đều thời gian cho các môn học tùy vào lượng kiến thức và bài tập của môn đó, ngoài ra các bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho các môn học mình yêu thích để đào sâu thêm vốn hiểu biết của bản thân. Ví dụ như đam mê môn Toán, các bạn có thể rèn luyện tư duy của mình bằng cách tìm tòi các bài toán hay, nhiều cách giải hay.
Hùng là một học sinh học ban tự nhiên nhưng em luôn cố gắng học đều các môn, đối với những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, em luôn dành thời gian nhiều để học và làm bài tập để nắm chắc kiến thức, nhất là trước 2 kì thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ, thì các môn trên càng quan trọng hơn nữa. Còn với những môn xã hội như Sử, Địa em luôn tập trung nghe giảng và nắm bài ngay trên lớp để giảm bớt thời gian học ở nhà, nhờ đó, mình có thể vừa học đều các môn, vừa dành được nhiều thời gian cho các môn quan trọng.
Em Nguyễn Tiến Trung , lớp 10D3 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mất sớm từ khi em học lớp 6, kinh tế gia đình chỉ trong mong vào sức lao động của mẹ nhưng em vẫn phấn đấu học giỏi.
|
Em Nguyễn Tiến Trung. Ảnh, gdtd.vn |
Trung chia sẻ khi bố qua đời, cả gia đình em đã suy sụp hẳn đi. Bản thân em học hành cũng sa sút rất nhiều. Có lúc em đã đổ hết cho hoàn cảnh “Nghèo mà học dốt là lẽ thường mà” và thường mặc cảm, hay xa lánh bạn bè.
Cho đến một lần em được biết về các gương anh chị ở vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn hơn em gấp mấy lần mà vẫn cố gắng lao động, cố gắng học tập. Rất nhiều anh chị đã đỗ vào trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, em cảm thấy bản thân thật đáng chê trách, xấu hổ. Trong khi các anh chị cố gắng vượt lên khó khăn để học tập tốt hơn thì em lại hoàn cảnh đó khuất phục, không đứng dậy được.
Sau này em đã hiểu ra rằng hoàn cảnh khó khăn chính là một môi trường tốt nhất để rèn luyện cho mình trưởng thành hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống chứ không phải là cái cớ để sống buông thả, vô trách nhiệm. Vì vậy, trong những năm học sau đó em đã đạt được khá nhiều thành tích đang kể, đặc biệt là thi được vào trường THPT Thăng Long, một môi trường học tập tốt tại Hà Nội. Học kỳ vừa qua Trung đạt điểm trung bình khá ấn tượng 8,6.
Những kinh nghiệm dạy và học hiệu quả
Cũng tại đây nhiều kinh nghiệm quý báu để dạy và học hiệu quả cũng được các giáo viên dạy giỏi chia sẻ. Cô Kiều Cẩm Nhung cho biết, nghề giáo, trước tiên phải có niềm đam mê từ đó mới nảy sinh những sáng tạo trong quá trình dạy học và truyền đạt kiến thức cho học sinh.
|
Cô Kiều Cẩm Nhung. Ảnh, gdtd.vn |
Bên cạnh đó, nghề giáo viên đòi hỏi chúng tôi phải luôn trau dồi kiến thức để biết 10, thậm chí biết 100 để dạy 1. Học hỏi ở các tài liệu chuyên ngành, học hỏi từ các đồng nghiệp, từ thực tiễn cuộc sống và đặc biệt là từ chính các em học sinh. "Tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin hàng ngày cũng như tìm cách đưa những nội dung kiến thức trừu tượng, phức tạp vào những ví dụ gần gũi, cụ thể ngay trong cuộc sống để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn. Bằng cách này tôi nhận thấy học sinh hào hứng hơn với môn học, dễ nhớ, không lơ mơ, nhầm lẫn các nội dung kiến thức và nhớ được kiến thức rất lâu". Cô Nhung chia sẻ.
Mỗi khi vào lớp, điều tôi luôn mong muốn là tạo được bầu không khí vui vẻ, thân thiện với học trò. Điều này vừa giúp chính mình vừa giúp học trò có thêm hứng thú và có được hiệu quả cao của tiết dạy và học. Tôi cũng đã mạnh dạn tổ chức cho các em tự tìm hiểu, thảo luận và trình bày thậm chí còn đưa nội dung bài học vào các trò chơi để tạo cảm hứng và thay đổi không khí của lớp học, cách làm này cũng đem lại hiệu quả cao trong việc dạy và học.
Có thể nói, các em cũng chính là những “đồng nghiệp” của tôi. Nhiều khi, các em đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi đưa ra những tình huống, những cách giải bài tập khác nhau mà đôi khi chính bản thân tôi cũng chưa nghĩ tới. Các em là nguồn động lực để tôi phải “học nữa, học mãi”.
Thêm nữa đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã đem lại hiệu quả rõ ràng. Với những phần nội dung kiến thức lý thuyết trừu tượng, những ví dụ thực tế sinh động… nhóm GV dạy môn Sinh học chúng tôi đã sử dụng những đoạn phim mô phỏng để minh hoạ và chuyển tải kiến thức tới học sinh rất hiệu quả. Cô Nhung cho biết.
Về kinh nghiệm chủ nhiệm lớp giáo viên chủ nhiệm lớp 11 A11 Trương Thị Minh Hà, Trong 25 năm dạy học cũng là 25 năm làm công tác chủ nhiệm để học sinh trong lớp đoàn kết, phấn đấu vươn lên là phải coi trọng phong trào học tập, đầu tư cho các hoạt động tập thể. Trong 3 năm học tôi lên kế hoạch mỗi năm có 1 trọng tâm khác nhau: lớp 10: Xây dựng các phong trào học tập, kỷ luật, hoạt động tập thể…lớp 11: Củng có nề nếp, lớp 12: Ý thức chuyên cần...
|
Cô Trương Thị Minh Hà. Ảnh, gdtd.vn |
Chọn thật trúng cán bộ lớp, ngoài ra tôi phân công cho tất cả học sinh trong lớp 1 công việc cụ thể: giữ phấn, phụ trách loa đài, thu sổ liên lạc, danh sách lớp, sơ đồ chỗ ngồi, ghi sĩ số, lấy nước, 10 học sinh dẫn chương trình, 11 học sinh phụ trách các bộ môn… Để tất cả học sinh trong lớp đều vừa là cán bộ lớp vừa là thành viên, như thế sẽ có sự cảm thông và trách nhiệm trong công việc chung của lớp, tạo sự đoàn kết của một gia đình thứ hai.
Sáng tạo nhiều biện pháp để đẩy mạnh phong trào học tập như: truy bài đầu giờ có hiệu quả, có sự kiểm tra nhắc nhở của giáo viên và cán bộ lớp, nhắc nhở lịch học, lịch kiểm tra trên bảng con, hướng dẫn học sinh cách học các môn, gặp học sinh học yếu để động viên, khi cần điện thoại cho phụ huynh để chia sẻ kinh nghiệm, đặt báo văn học tuổi trẻ cho tất cả học sinh trong lớp để có thêm tư liệu học môn văn, mỗi tháng đều có tổng kết để trao cúp biểu tượng cho học sinh có thành tích học tập tốt và không vi phạm 1 quy định nào của nội quy...
Đầu tư cho các hoạt động tập thể: Để tổ chức các hoạt động tập thể, tuy có thể phải đầu tư thêm thời gian, công sức và tiền bạc nhưng đổi lại học sinh trong lớp sẽ có thêm tinh thần đoàn kết gắn bó để thực sự thấy mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui còn các phụ huynh thì phấn khởi và thêm gắn bó với giáo viên chủ nhiệm để cùng giáo dục các con. Các hoạt động thường xuyên cho các em tham gia như: làm làm bánh trong các ngày rằm, lễ, tết, ủng hộ bệnh nhi ung thư ở bệnh viện, quyên góp tiền và sách vở cho trẻ em bị HIV, gói bánh chưng vào dịp Tết nguyên đán, làm gian hàng quà quê tại trại đoàn 26/3 của quận…
|
Tập thể nhà trường và các HS-GV xuất sắc tại Lễ Vinh danh. Ảnh, gdtd.vn |
Ngoài những kinh nghiệm trên đây là sự gắn kết chặt chẽ, hợp tác thường xuyên với giáo viên bộ môn và CBCNV nhà trường. Bên cạnh đó là thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh và phối hợp, chặt chẽ với ban phụ huynh để quản lý, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để kịp thời giáo dục uốn nắn học sinh của mình ở trường cũng như ở nhà.
Tại Hội nghị "Tài năng trẻ" lần này, nhà trường đã vinh danh trên 70 em học sinh và các giáo viên đã có thành tích xuất sắc trong học tập và giảng dạy.
Giang Đông