(GD&TĐ) - Không được dạy một cách chính thức trong chương trình chính khóa ở trường phổ thông nhưng giáo dục giới tính là một nội dung vô cùng quan trọng với học sinh cấp THCS. Vấn đề này cần được quan tâm đúng mức để tránh cho học sinh những di chứng tinh thần tai hại về sau.
Không vẽ đường “hươu” lạc hướng
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp suốt 15 năm qua, tôi và nhiều đồng nghiệp không khỏi trăn trở khi chứng kiến một cô học trò có ý định trốn nhà đi theo một bạn trai vào Nam. Trước kì thi hết học kì II, một học sinh nữ khác của lớp bỗng nhiên nghỉ học bốn ngày liền. Giáo viên hỏi mãi em mới cho biết lí do em nghỉ học là vì thấy kinh nguyệt!?
Năm học 2011 - 2012, một học sinh nữ lớp 8 trường THCS Lam Cốt (Tân Yên - Bắc Giang) mang rượu đến trường, uống say rồi khóc lóc thảm thiết chỉ vì “em yêu bạn ấy mà bạn ấy không để ý đến em...” khiến cô giáo chủ nhiệm phải bỏ công an ủi, định hướng, theo dõi một thời gian dài.
Cô Trần Thị Thúy Dịu - giáo viên dạy toán Trường THCS Lam Cốt (Tân Yên - Bắc Giang) cũng đã kể: Một lần cô tạm thu điện thoại của một học sinh nam lớp 9 do trong giờ học em không chú ý nghe giảng mà cứ hí hoáy nhắn tin. Cô rất bất ngờ vì trong điện thoại lưu đến gần 200 tin nhắn với những lời lẽ yêu đương và hẹn hò mùi mẫn của em này với một em gái nào đó. Ở Trường THCS Cao Xá (Tân Yên), cô Huyền - Tổng Phụ trách Đội cho biết cô rất sốc khi vô tình bắt gặp những cặp tình nhân nhí ở trường lén lút hôn nhau, thậm chí đã có học sinh lớp 9 mang thai ngoài ý muốn.
Tiếp cận với giáo dục giới tính sớm sẽ giúp HS tự bảo vệ bản thân. Ảnh: Thái Hòa |
Cần am hiểu tâm lý
Có thể nói, cảm xúc về giới tính là một cảm xúc tự nhiên, lành mạnh. Nó bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ ở tuổi dậy thì. Ở tuổi này, các em có nhu cầu khám phá cơ thể, hiểu biết nhiều vấn đề trong đó có vấn đề tình dục... Tuy nhiên, do quan niệm mà đây vẫn được coi là vấn đề tế nhị, thậm chí là địa hạt cấm trẻ con nên ít khi các em được người lớn cởi mở.
Trong khi đó những thông tin về kiến thức giới tính lại không được dạy một cách chính thống trong chương trình cấp học (ở cấp THPT, nội dung này được gài vào trong một bài học của môn GDCD, cấp THCS hoàn toàn bỏ ngỏ). Các em bắt buộc phải mò mẫm hoặc cập nhật thông tin từ nhiều luồng: Sách báo, mạng Internet, kinh nghiệm rỉ tai của bạn bè... Đây chính là khe hở để lọt nhiều những thông tin nhảm nhí, trác táng khiến các em bị lệch lạc trong quan niệm.
Từ kinh nghiệm của bản thân và tâm sự của đồng nghiệp, tôi thấy giáo dục giới tính cho trẻ không đơn giản như: Kiến thức về cấu tạo cơ quan sinh dục, cách giữ vệ sinh cơ quan sinh dục nam và nữ, kiến thức về quan hệ tình dục và tình yêu tuổi học trò…
Tôi nhận ra trong khi người lớn quan tâm đến việc dạy chúng cách hành xử cho đúng với đạo đức thì chúng lại quan tâm nhiều hơn đến sinh lí và cảm giác. Vì vậy giáo dục giới tính nếu không quan tâm đến cảm xúc, nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa cha mẹ, thầy cô và được tổ chức bài bản thì có khi lại phản tác dụng.
ĐINH THÚY HẰNG
(GV Trường THCS Lam Cốt, Tân Yên, Bắc Giang)